Kỳ vọng sự tiếp nối thành quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

(PLO)- Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với trọng tâm là hoạt động kiểm tra, giám sát cần lan tỏa sâu rộng ở mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Số tổ chức Đảng và đảng viên bị kỷ luật đã tăng 54,66% so với năm 2021. Điều này khẳng định hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát và xây dựng, chỉnh đốn Đảng đang được tiếp tục tăng cường. Đặc biệt trong năm 2022, một loạt vụ án lớn được điều tra, xét xử, truy cứu trách nhiệm cá nhân.

Theo số liệu được công bố, năm 2022, cấp ủy, tổ chức Đảng và Ủy ban Kiểm tra các cấp tiến hành kiểm tra gần 61.600 tổ chức Đảng và 335.000 đảng viên. Ban chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng bốn đảng viên. Bộ Chính trị thi hành kỷ luật 11 tổ chức Đảng, sáu đảng viên. Ban Bí thư thi hành kỷ luật 10 tổ chức Đảng, 43 đảng viên. Có 10 ủy viên Trung ương Đảng, nguyên ủy viên Trung ương Đảng bị thi hành kỷ luật.

Với sự liên tục gia tăng hiệu quả của công tác phòng, chống tiêu cực đi cùng hoạt động kiểm tra, giám sát thời gian qua, dư luận đặt kỳ vọng vào những chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Những chuyển biến ấy là sự tiếp nối thành quả đã đạt được và dựa trên nền tảng tư tưởng cũng như chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Về nền tảng tư tưởng, lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành sự quan tâm lớn đến xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Người từng nhấn mạnh: “Chủ nghĩa cá nhân như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”, do đó trong chỉnh đốn Đảng phải kiên quyết chống lại chủ nghĩa cá nhân. Từ đó, Người đề cao vai trò của công tác phê bình, đấu tranh trong nội bộ Đảng để phòng, chống tiêu cực, yếu kém: “Phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt”.

Tiếp nối tư tưởng ấy, Nghị quyết 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa XIII về tăng cường củng cố xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới, đặc biệt coi trọng tự kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng; kết hợp kiểm tra, giám sát thường xuyên với kiểm tra, giám sát theo chuyên đề.

Trước đó, Trung ương cũng đã ban hành kết luận về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đối tượng chỉnh đốn Đảng không chỉ là đảng viên và các cấp ủy, tổ chức Đảng, mà còn mở rộng ra đối với cán bộ, công chức, viên chức, các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị.

Như vậy, theo chủ trương của Đảng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với trọng tâm là hoạt động kiểm tra, giám sát cần lan tỏa sâu rộng ở mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương. Nhìn vào đó để thấy công tác này rất cần được tiếp tục cải thiện.

Công tác kiểm tra, giám sát đang lan tỏa xuống cấp tỉnh nhưng theo nhận định chung, chưa có chuyển biến mạnh ở cấp huyện, cấp cơ sở. Việc phát hiện, xử lý những sai phạm lớn, liên quan trực tiếp đến nhân sự cấp cao trong hệ thống chính trị đang giành được sự ủng hộ của dư luận nhưng cũng khiến nảy sinh câu hỏi: Làm thế nào để phanh phui và xử lý kịp thời những hành vi tiêu cực còn “lẩn khuất” ở các địa phương với mức độ nhỏ hơn?

Thực tế cho thấy vẫn còn tình trạng né tránh, nể nang, thậm chí người có danh nghĩa chống tiêu cực trực tiếp gây ra hành vi sai phạm. Vẫn còn tình trạng phòng, chống tiêu cực không kịp thời, để sai phạm lớn lên, gây ảnh hưởng sâu rộng mới phát hiện, xử lý.

Với hạn chế ấy, quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước cần được phát huy mạnh mẽ hơn nữa. Trong đó, vai trò của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh cần được nâng cao với sự gương mẫu của từng cán bộ, đảng viên, đặc biệt là các vị trí lãnh đạo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm