Phòng chống tham nhũng: “Phòng” là chính, “chống” phải nghiêm minh

(PLO)- Các đại biểu nêu thực trạng tham nhũng đang phổ biến, từ đất đai, lợi dụng pháp luật đến tham nhũng vặt vãnh và đề xuất các biện pháp khắc phục.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 8-11, Quốc hội (QH) nghe và thảo luận các báo cáo về tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật, báo cáo phòng chống tham nhũng (PCTN) và báo cáo của các cơ quan tư pháp.

Về báo cáo PCTN, nhiều đại biểu (ĐB) tán thành và làm rõ thêm những thực tế của tham nhũng.

Tham nhũng trong lĩnh vực đất đai

ĐB Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) đề nghị Chính phủ tăng cường thực thi pháp luật và xử lý nghiêm hành vi sử dụng đất bất hợp pháp, với ý nghĩa đây là việc được quyền sử dụng nguồn lực đất đai thông qua hành vi trái pháp luật.

“Cũng giống như các hành vi phạm tội thông thường dưới góc độ kinh tế, sử dụng đất trái pháp luật có thể được coi là hành vi kinh tế dựa trên vấn đề quyết định về chi phí và lợi ích. Những người vi phạm pháp luật đạt được những lợi ích bất hợp pháp và những giá trị nhất định thông qua những hành động vi phạm pháp luật của họ, làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước và các thành viên khác trong xã hội” - ĐB Hoàn nêu.

Thừa nhận những người đó “cũng phải trả những chi phí nhất định” nhưng việc theo đuổi lợi ích rất lớn thu được từ đất đai của các tổ chức và cá nhân có liên quan, nhu cầu thu ngân sách và sự cạnh tranh để tăng trưởng kinh tế của chính quyền địa phương được coi là yếu tố chính thúc đẩy việc vi phạm pháp luật đất đai. Việc vi phạm này được cân đo, đong đếm và người kinh doanh sẽ quyết định vi phạm pháp luật.

“Lúc này, giá phải trả của việc vi phạm pháp luật đất đai chủ yếu bao gồm tiền bồi thường cho những người bị thiệt hại về quyền lợi, tác động tiêu cực đến sự phát triển lâu dài của địa phương, sự trừng phạt có thể xảy ra và làm mất đi tương lai chính trị của người có chức vụ, quyền hạn có liên quan” - ông Hoàn nói. Thiệt hại đối với doanh nghiệp sẽ bao gồm chi phí bỏ ra, vốn, tiền phạt, thậm chí là bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu bị điều tra, truy tố.

“Do đó, việc tăng cường thực thi pháp luật đất đai có hiệu quả sẽ có tác động rất lớn, rất quan trọng đến những chi phí, hậu quả khi cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật phải bỏ ra và gánh chịu” - ông Hoàn nói và khuyến nghị: “Nếu thực thi pháp luật về đất đai không nghiêm sẽ dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật đất đai ngày càng tăng và ngược lại”.

Năm chiêu lách luật để tham nhũng

Trong công tác đấu thầu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đã phản ánh năm chiêu trò lách luật phổ biến trong khi thực hiện đấu thầu.

Một là chia nhỏ các gói thầu để áp dụng hình thức chỉ định thầu. “Để lách quy định này, tình trạng chia nhỏ các gói thầu để áp dụng chỉ định thầu diễn ra phổ biến trên thực tế và đã được thể hiện trong nhiều kết luận thanh tra, điều tra vụ án, vụ việc” - bà Thủy nói.

Bà dẫn chứng vụ việc liên quan tới một bệnh viện đa khoa tỉnh. Kết luận thanh tra của tỉnh đã chỉ rõ giá trị hàng hóa mua sắm của bệnh viện chỉ là hơn 95 tỉ đồng nhưng giám đốc bệnh viện đã ban hành 1.165 quyết định chỉ định thầu với giá trị mỗi gói thầu đều dưới 100 triệu đồng.

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định chủ trì phiên thảo luận ngày 8-11. Ảnh: quochoi.vn
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định chủ trì phiên thảo luận ngày 8-11. Ảnh: quochoi.vn

Ở chiêu trò này, bà Thủy cho rằng còn có việc lợi dụng quy định về chia tách gói thầu để mỗi nhà thầu thân hữu chiếm một phần. Có những trường hợp lại gom nhiều gói thầu nhỏ thành gói thầu hết sức phức tạp mà chỉ một doanh nghiệp cụ thể mới đáp ứng được, từ đó tránh được các thủ tục đấu thầu thực sự cạnh tranh.

Hai là cài cắm các điều khoản “mớm thầu” để “cài thầu quen, chèn thầu lạ”. Ba là thiết lập “quân xanh, quân đỏ” để thông thầu. Bà Thủy đánh giá đây vẫn là “mảng tối” trong đấu thầu thời gian vừa qua, đã tạo ra nhiều cuộc thầu nội bộ, thiếu tính cạnh tranh, thu lợi bất chính. ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho rằng sự tiếp tay của bên mời thầu là chủ đầu tư đã tạo ra một vở kịch để “quân đỏ” đường đường chính chính trúng thầu.

Bốn là móc ngoặc với thẩm định giá để nâng khống giá trị gói thầu. Chẳng hạn, vụ án tại BV Tim Hà Nội, giá mỗi stent nhập khẩu chỉ 8-11 triệu đồng nhưng giá thẩm định và giá trúng thầu đã vọt lên 36-42 triệu đồng mỗi stent, tăng 28-31 triệu đồng.

Theo bà Thủy, pháp luật đã giao cho đơn vị thẩm định giá chức năng quá lớn nhưng hậu kiểm thì “rất hạn chế”.

Cuối cùng là tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực khác trong hoạt động đấu thầu. Bà Thủy dẫn kết quả khảo sát của VCCI 2021 cho thấy trong tổng số các doanh nghiệp được khảo sát, có tới 25% doanh nghiệp chủ động chi trả chi phí không chính thức khi tham gia đấu thầu. 10,3% doanh nghiệp cho biết họ chi trả theo gợi ý của cán bộ phụ trách đấu thầu.

Từ đó, bà Thủy kiến nghị ngoài công khai, minh bạch thì khi sửa Luật Đấu thầu, cần tiếp tục rà soát hoàn thiện để đảm bảo chặt chẽ, công khai trong đấu thầu.

Tham nhũng vặt len lỏi khắp nơi

ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) thì đề cập đến tham nhũng vặt và cho rằng: “Hình thức của tham nhũng vặt rất đa dạng và ngày càng tinh vi, gây phiền hà, làm kéo dài thời gian giải quyết công việc, giải quyết không đến nơi đến chốn, không khách quan...”.

Ông phân tích tiếp: “Với cách làm đó, người dân, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần, đòi hỏi phải quà cáp, biếu xén... Nhiều vụ việc còn đòi hỏi “phí bôi trơn”. Đáng sợ việc này ngày càng trở nên phổ biến, có thể gặp ở trong mọi lĩnh vực như khám chữa bệnh, làm các thủ tục hải quan, xây dựng, tư vấn đất đai, các kỳ thi tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, làm luận văn, luận án, phong học hàm, học vị, các kỳ thi âm nhạc...”.

Theo ông Trí, những người tham nhũng vặt lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật, tranh thủ sự thiếu hiểu biết về pháp luật của công dân, tận dụng tối đa vị trí công tác họ đang nắm giữ để đòi hỏi “lót tay”, yêu cầu “bôi trơn”.

Tình trạng tham nhũng vặt đã gây bức xúc lớn cho người dân, doanh nghiệp, đã làm chùn bước nhà đầu tư nước ngoài, làm cho các hoạt động của xã hội bị chậm lại, làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào đội ngũ cán bộ.

“Việc PCTN vặt chỉ có thể làm được tốt hơn, hiệu quả hơn khi có sự vào cuộc của cả xã hội, nhất là của quần chúng nhân dân” - ông Trí nói.

Phát biểu kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định nêu rõ sau một ngày làm việc khẩn trương, sôi nổi, dân chủ, trách nhiệm, đã có 33 ý kiến phát biểu, một ĐB tranh luận.

Phó Chủ tịch QH cho rằng nhiều ý kiến phát biểu sâu sắc, phân tích thêm rất cụ thể, thiết thực về hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật... Các ĐB cũng thống nhất đề nghị đẩy mạnh công tác PCTN, trong đó “phòng” là chính, “chống” phải đảm bảo nghiêm minh.

Những góp ý của các ĐB sẽ được tiếp thu, thể hiện trong công tác xây dựng nghị quyết và sẽ có báo cáo tiếp thu giải trình, trình QH xem xét thông qua vào cuối kỳ họp.

ĐB TRẦN CÔNG PHÀN:

Phải tập trung “phòng tham nhũng”

Dường như chúng ta thấy cái được là mới thể hiện khâu chống, tức là đã đưa ra được nhiều vụ án lớn, xét xử kịp thời; đưa ra những đối tượng phạm tội ở vị trí có chức vụ cao. Chúng ta mới tập trung vào việc chống tham nhũng.

ĐB TRẦN CÔNG PHÀN (Bình Dương)
ĐB TRẦN CÔNG PHÀN (Bình Dương)

Từ các vụ đấu tranh chống tham nhũng, các cơ quan tư pháp tiếp tục kiến nghị và chỉ ra được nguyên nhân dẫn đến tham nhũng để làm sao chúng ta phòng ngừa với tinh thần là không thể, không dám, không muốn tham nhũng. Chúng ta thấy hai đại án vừa xảy ra gần đây nhất thì lại xảy ra đúng lúc xã hội khó khăn như vậy.

Câu chuyện ở đây là như thế nào. Tôi đề nghị chúng ta phải chú ý đến khâu phòng. Chống chúng ta đang làm tốt rồi, đang cố gắng làm tốt hơn trước nhưng phòng để cho không tham nhũng.

....................

ĐB NGUYỄN QUANG HUÂN (Bình Dương):

Nước nào cũng phải trải qua… tham nhũng

PCTN là vấn đề nóng nhưng cũng khá nhạy cảm. Tham nhũng có thể nói là có ở mọi nơi trên thế giới và các nước phát triển trước ta, nước nào cũng phải trải qua công tác PCTN.

ĐB NGUYỄN QUANG HUÂN

ĐB NGUYỄN QUANG HUÂN

Hiện nay, thậm chí những nước dẫn đầu về PCTN, các chỉ số chống tham nhũng đạt cao trên thế giới như Bắc Âu, Đan Mạch hay New Zealand thì chỉ số cũng chỉ đạt 88 điểm; còn Phần Lan, Singapore đứng thứ hai thì đạt 85 điểm, không có nước nào đạt 100 điểm.

Như vậy là việc tham nhũng xảy ra khắp nơi trên thế giới, ngay cả trong các nước phát triển, còn chúng ta đang đạt 36 điểm. Vấn đề ở đây là các nước đã có thời gian dài phát triển trước chúng ta về kinh tế, người ta cũng bắt tay vào PCTN trước chúng ta, vì thế mà nhận thức xã hội của họ cũng khác chúng ta.

Hầu như tất cả các nước đều phải chấp nhận tham nhũng như một phần tất yếu trong quá trình phát triển, chỉ có điều là phải nỗ lực phấn đấu để chúng ta đạt được trong tương lai và phải có lộ trình.


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm