2 mũi giáp công chống dịch ở các nơi dịch lây nhiễm cao

Sáng 18-7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 về triển khai các biện pháp phòng dịch.

Ưu tiên tối đa cho BV hồi sức COVID-19 tại TP.HCM

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết tình hình dịch tại TP.HCM và các địa phương khu vực phía Nam tiếp tục diễn biến phức tạp. Hiện ngành y tế đang chuẩn bị tích cực, ưu tiên giảm số ca bệnh nặng, hạn chế tử vong, đặc biệt đối với các ca mắc có bệnh nền, bệnh mạn tính.

Riêng tại TP.HCM, ông Long cho biết Bộ Y tế đã trao đổi với lãnh đạo TP, quyết định thành lập Bệnh viện (BV) hồi sức COVID-19 (đặt tại BV Ung bướu Cơ sở 2) có công suất 1.000 giường, với cơ chế điều hành của BV trung ương hạng đặc biệt.

“Bộ Y tế ưu tiên tối đa trang thiết bị vật tư, y tế, những nhân lực tinh túy nhất để đưa về BV này, tối ưu hóa điều trị các trường hợp thở máy trên toàn TP, quyết giữ cho bằng được mặt trận này” - ông Long nói.

Bộ trưởng Y tế cũng cho biết Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến với tất cả tỉnh, TP để chuẩn bị sẵn sàng cho “kịch bản xấu và xấu hơn”. Tất cả BV hạng II, hạng III (tuyến huyện và tương đương) buộc phải thiết lập hệ thống ôxy trung tâm, chuẩn bị các giường hồi sức…

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 diện rộng để truy tìm F0 tại TP Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Khu vực lây nhiễm cao, lan rộng: Chia hai mũi giáp công dập dịch

Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 nhận định rằng tình hình dịch cơ bản vẫn kiểm soát được trên bình diện cả nước. Tuy nhiên, tình hình dịch ở TP.HCM và một số tỉnh lân cận, nhất là ở Bình Dương, vẫn diễn biến rất phức tạp, nếu không tập trung kiểm soát thật tốt có thể dẫn tới hệ thống y tế bị quá tải. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đối với 19 tỉnh, TP phía Nam.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cần phân loại trong 19 tỉnh, TP phía Nam thực hiện Chỉ thị 16 thành hai nhóm. Những tỉnh tương đối an toàn, dịch còn ít (khu vực Nam sông Hậu và Bình Phước), tiếp tục thực hiện theo chiến lược “ngăn chặn - phát hiện - truy vết - khoanh vùng - dập dịch và điều trị”, giống như các địa phương đang kiểm soát được dịch.

Những địa phương như TP.HCM, Bình Dương và những khu vực dịch lây nhiễm cao, đậm đặc, lây lan rộng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu cần có những giải pháp mới, cách làm mới cho phù hợp với “hai mũi giáp công”.

Theo đó, một mũi tập trung lực lượng tại những “vùng đỏ”, có mức độ nguy cơ dịch bệnh rất cao để nhanh chóng bóc F0 ra khỏi cộng đồng, từng bước làm sạch, thu hẹp ổ dịch, giảm xuống “vùng vàng” dần tiến tới “vùng xanh”. Mũi còn lại thực hiện tầm soát, sàng lọc kết hợp với các biện pháp đồng bộ, giữ chặt “vùng xanh” an toàn; cô lập những “vùng vàng”, làm sạch để trở thành “vùng xanh”.

PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng việc thực hiện giãn cách xã hội không chỉ bảo vệ an toàn cho chính các địa phương mà còn bảo vệ các khu vực khác có nguy cơ thấp hơn. “Việc thực hiện giãn cách xã hội theo mức độ nào cũng đều phải làm nghiêm. Tránh hiện tượng bên ngoài chặt, bên trong lại lỏng, tạo thành những đám đông, có nguy cơ lây lan dịch bệnh, đồng thời làm ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và công tác phòng chống dịch” - ông Phu nói.

Lập 25 xe xét nghiệm với 2.000 mẫu RT-PCR/ngày

Liên quan đến công tác xét nghiệm, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết hiện nay số lượng máy móc tạm đủ trong tình hình dịch. Đáng chú ý, Bộ Y tế sẽ thành lập 25 xe xét nghiệm lưu động với công suất khoảng 2.000 mẫu đơn RT-PCR/ngày để hỗ trợ không chỉ cho các địa phương nguy cơ cao mà còn tiến hành sàng lọc, tầm soát tại những khu vực an toàn.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang tính toán nhu cầu các thiết bị phục vụ điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch như hệ thống ECMO, máy thở chức năng cao, máy thở ôxy cao áp (HFNC), bơm tiêm điện, máy theo dõi các chức năng sống của bệnh nhân, máy lọc thận chậm…

Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý: Tùy tình hình dịch bệnh tại các vùng, ổ dịch, các địa phương sử dụng xét nghiệm nhanh kết hợp với xét nghiệm Realtime RT-PCR để bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, không dàn hàng ngang xét nghiệm.

Ở những nơi khác, các địa phương phải tăng tần suất xét nghiệm nhanh, tập trung sàng lọc tại BV nhằm bảo vệ tối đa hệ thống y tế.

Trong tầm soát, sàng lọc cộng đồng, các lực lượng tăng cường sử dụng xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp tại những điểm có nguy cơ cao như chợ, bến xe, quán nước… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới