Khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24-2-2022, các nước phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, đã trừng phạt kinh tế, kêu gọi thế giới cô lập Nga về mặt chính trị, ngoại giao nhằm hy vọng các nước và nhiều công ty cắt đứt quan hệ với Nga.
Tuy nhiên, 2 năm sau đó, Nga đã không bị cô lập như Mỹ kỳ vọng. Sức mạnh vốn có của Nga, bắt nguồn từ nguồn cung khổng lồ về dầu và khí đốt tự nhiên, đã tạo nên khả năng phục hồi tài chính và chính trị cho Nga trước áp lực của phương Tây, theo tờ The New York Times.
Nga tăng ảnh hưởng ở nhiều nơi
Có thể thấy cuộc xung đột với Ukraine đã gây thiệt hại cho Nga khi phá hủy vị thế của nước này trong mắt châu Âu. Tòa án Hình sự Quốc tế đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin, còn Liên Hợp Quốc thì nhiều lần lên án chiến dịch quân sự của Moscow.
Mỹ từng cho rằng việc mở chiến dịch quân sự đã khiến Nga phải chịu một thất bại chiến lược lớn, bị cô lập trên trường quốc tế và làm giảm ảnh hưởng của Nga trên các châu lục. Tuy nhiên, các khu vực ngoài Bắc Mỹ và châu Âu đã chứng minh điều ngược lại. Ở nhiều nơi tại châu Á, châu Phi và Nam Mỹ, ảnh hưởng của Nga vẫn mạnh mẽ, thậm chí có phần tăng thêm.
Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil đang mua dầu của Nga với số lượng kỷ lục với những khoản chiết khấu cao. Cùng với những mối quan hệ kinh tế ngày càng phát triển, quan hệ ngoại giao giữa Nga và các nước, bao gồm một số đối tác thân thiết của Mỹ, ngày càng bền chặt.
Tổng thống Nga Putin đã đến thăm Trung Quốc hồi tháng 10-2023 và tiếp Ngoại trưởng Ấn Độ tại thủ đô Moscow vào cuối tháng 12-2023. Cũng trong cuối năm 2023, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã dành cho ông Putin một sự đón tiếp trọng thị với 21 phát đại bác chào mừng và các máy bay chiến đấu thả khói màu đỏ, trắng và xanh - 3 màu đặc trưng của quốc kỳ Nga.
Ảnh hưởng của Nga cũng đang mở rộng ở châu Phi, theo một báo cáo mới từ nhóm nghiên cứu về an ninh Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia có trụ sở tại London (Anh). Khi ông Yevgeny Prigozhin - thủ lĩnh tập đoàn lính đánh thuê Wagner, qua đời vào mùa hè năm ngoái, cơ quan tình báo quân sự Nga đã tiếp quản các hoạt động rộng khắp của Wagner ở châu Phi và tiếp tục gây ảnh hưởng tới các chính phủ châu Phi vốn dựa vào Wagner để đảm bảo an ninh.
Tại Brazil, quốc gia lớn nhất Mỹ Latinh, Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva đã gửi lời mời ông Putin tới dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20) tại Brazil vào tháng 11-2023, dù nước ông là thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế và có nghĩa vụ thi hành lệnh bắt giữ ông Putin. Brazil là nước luôn giữ quan điểm trung lập trong cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Tại Liên Hợp Quốc, các dự thảo nghị quyết do Mỹ khởi xướng nhằm lên án cuộc xung đột nhận được rất ít sự ủng hộ từ các quốc gia không có mối liên hệ chặt chẽ với Mỹ. Điều này thể hiện sự miễn cưỡng của các nước này khi buộc phải đứng về một bên trong cuộc xung đột.
Bà Alina Polykova, chủ tịch Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu tại Washington (Mỹ), cho rằng các nước này “cảnh giác với việc bị coi là con tốt trên bàn cờ cạnh tranh giữa các cường quốc”. Bà cho rằng chính quyền Mỹ trước đây đã gây ra nhiều tổn hại cho mối quan hệ giữa Washington với nhiều nước trong số này và hiện Mỹ chưa được coi là đối tác tin cậy trong mắt những quốc gia đó.
Ông Michael Kimmage, nhà sử học Chiến tranh Lạnh tại ĐH Công giáo Mỹ và từng là quan chức Bộ Ngoại giao của chính quyền Tổng thống Barack Obama, cho rằng Nga đã không hề bị bao vây, cũng không hề bị cô lập về mặt kinh tế và ngoại giao, theo The New York Times.
Nga đã chuẩn bị cho mọi kịch bản
Nga đã thành công trong việc thúc đẩy quan hệ với các đối tác thân thiết, bao gồm Trung Quốc, Triều Tiên và Iran.
Theo các quan chức phương Tây, các nước này đã hỗ trợ Nga dưới nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn như phương Tây cáo buộc rằng Iran chuyển máy bay không người lái (UAV), Triều Tiên gửi tên lửa đạn đạo cho Nga và Trung Quốc dù hạn chế xuất khẩu vũ khí sang Nga nhưng cho phép xuất khẩu thiết bị lưỡng dụng vào Nga cũng như duy trì mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Nga.
Cạnh đó, Nga cũng đã tìm ra giải pháp đối phó các lệnh trừng phạt nhằm hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ cao, đặc biệt là những thiết bị có thể sử dụng cho vũ khí hiện đại. Các quốc gia lân cận như Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), có các công ty tư nhân đã nhập khẩu vi mạch và các mặt hàng khác để tái xuất sang Nga.
Các biện pháp trừng phạt và tẩy chay hoạt động kinh doanh ở Nga của phương Tây chắc chắn đã ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày ở Nga. Tuy vậy, điều này chưa đủ gây ra tình trạng bất ổn trong xã hội Nga hoặc thay đổi hành vi của Moscow.
Ông Edward Fishman, cựu quan chức Bộ Ngoại giao trong chính quyền Tổng thống Obama và cũng là người giám sát các lệnh trừng phạt Nga sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, cho rằng hiện tại, các lệnh trừng phạt đã gây thất vọng.
Theo ông Fishman, theo thời gian, các biện pháp trừng phạt của phương Tây sẽ gây thiệt hại lớn hơn cho Nga và Moscow sẽ phải nỗ lực để có được những linh kiện công nghệ cao quan trọng. Những thỏa thuận bị phá vỡ với các công ty năng lượng phương Tây sẽ khiến Nga mất đi khoản đầu tư cần thiết để duy trì hoạt động sản xuất dầu khí hiệu quả.
Tuy nhiên, ông cho rằng Moscow đã chuẩn bị cho kịch bản Nga bị các lệnh trừng phạt nhắm tới dồn dập và đã có đủ các phương án để duy trì cuộc chiến và tạo đòn bẩy trên trường quốc tế. Ông Fishman cho rằng “Nga hiện đã xây dựng một loại chuỗi cung ứng thay thế”.