2 quan điểm vụ chủ tiệm vàng bán rẻ tài sản cho con

(PLO)- Vụ án hiện có hai quan điểm: Một là biết mình phải trả nợ mà đi bán rẻ tài sản duy nhất là cố ý né việc trả nợ; hai là tài sản không bị ngăn chuyển dịch thì được chuyển dịch. Quan điểm nào mới hợp tình, hợp lý?
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Liên quan đến vụ “chủ tiệm vàng bán rẻ tài sản cho con” (Pháp Luật TP.HCM đã thông tin hồi tháng 7-2021), nhiều chủ nợ của chủ tiệm vàng vừa cho biết VKSND Cấp cao tại TP.HCM đã kháng nghị giám đốc thẩm (lần hai) vụ án này.

Quan điểm kháng nghị tương tự như lần kháng nghị thứ nhất và quyết định giám đốc thẩm trước đây. Tức là việc mua bán tài sản giữa vợ chồng chủ tiệm vàng và con gái là hợp pháp do tại thời điểm bán bến phà, không có bản án có hiệu lực nào buộc chủ tiệm vàng phải trả nợ.

Bán hết tài sản trong khi đang bị kiện đòi nợ

Năm 2016 và 2017, thấy tiệm vàng Đạt Vinh ở chợ Tắc Vân, xã Tắc Vân, TP Cà Mau khách ra vô nườm nượp, nhiều người dân địa phương tin tưởng đem tiền, vàng đến gửi lấy tiền lãi. Tuy nhiên đến đầu năm 2018, 24 người đã kéo đến UBND xã Tắc Vân gửi đơn nhờ can thiệp để chủ tiệm vàng này phải trả nợ. Họ lo ngại sẽ bị mất tiền vì tiệm vàng đã đổi chủ.

Bến phà ngang chợ Tắc Vân. Ảnh: TRẦN VŨ

Bến phà ngang chợ Tắc Vân. Ảnh: TRẦN VŨ

Khi đó, chủ tiệm vàng Đạt Vinh là vợ chồng ông Nguyễn Văn Quới làm cam kết sẽ bán tài sản là bến phà ngang chợ Tắc Vân để trả nợ. Đây là tài sản cuối cùng của ông bà tại thời điểm này.

Sau đó, nhiều chủ nợ đã khởi kiện để đòi nợ. Ngày 28-5-2018, TAND TP Cà Mau công nhận sự thỏa thuận thành về món nợ 105 triệu đồng giữa vợ chồng ông Quới và chủ nợ Cao Thị Hóa. Chi cục Thi hành án (THA) dân sự TP Cà Mau đã ra quyết định buộc THA và quyết định tạm dừng đăng ký chuyển sở hữu bến phà của vợ chồng ông Quới bắt đầu từ ngày 14-6-2018.

Cùng thời gian này, TAND TP Cà Mau đang giải quyết nhiều yêu cầu đòi nợ của các chủ nợ khác đối với vợ chồng ông Quới. Sau đó, tòa tuyên buộc ông bà trả nợ cho họ.

Ngày 31-8-2018, vợ chồng ông Quới trả đủ cho bà Hóa 105 triệu đồng. Cơ quan THA chấm dứt phong tỏa mua bán, chuyển dịch bến phà cho vợ chồng ông Quới.

Vào đúng ngày được chấm dứt phong tỏa tài sản, vợ chồng ông Quới bán một phần bến phà cho con gái, 12 ngày sau thì họ bán luôn phần còn lại cũng cho người này.

Có nhằm né nghĩa vụ trả nợ?

Không thể THA vì bến phà đã thay chủ, ba chủ nợ đã khởi kiện đề nghị tòa tuyên các hợp đồng mua bán bến phà là vô hiệu vì nó nhằm né nghĩa vụ trả nợ.

Hai cấp tòa và VKS hai cấp ở Cà Mau cùng chung quan điểm rằng việc bán bến phà bản chất là né nghĩa vụ trả nợ. Theo bốn cơ quan tố tụng này, thời điểm bán bến phà cho con gái, dù không có một quyết định ngăn chặn chuyển dịch bến phà nào của cơ quan có thẩm quyền nhưng vợ chồng ông Quới biết rõ có một số nợ phải trả.

Căn cứ khoản 2 Điều 124 BLDS 2015, HĐXX đã tuyên vô hiệu các hợp đồng chuyển nhượng bến phà của vợ chồng ông Quới cho con gái vì các giao dịch này nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba.

Tuy nhiên, sau đó VKSND Cấp cao tại TP.HCM kháng nghị, rồi TAND Cấp cao tại TP.HCM xử giám đốc thẩm đã chấp nhận kháng nghị, tuyên hủy hai bản án sơ phẩm và phúc thẩm vì “tài sản không bị ngăn chuyển dịch thì được chuyển dịch”.

Xét xử lại, các cơ quan tố tụng ở Cà Mau vẫn giữ quan điểm trước đây. Ngày 27-3-2023, VKSND Cấp cao tại TP.HCM lại kháng nghị giám đốc thẩm với quan điểm như trước.

Theo kháng nghị, thời điểm vợ chồng ông Quới bán bến phà cho con gái, tài sản này không bị ngăn chặn chuyển dịch. Vợ chồng ông Quới không phải thi hành bản án hay quyết định nào. Bản án tuyên ông Quới phải trả nợ đang bị ông Quới kháng cáo, chưa có hiệu lực khi ông bán bến phà. Tại thời điểm ông Qưới có nghĩa vụ trả nợ cho ba chủ nợ thì bến phà đã thuộc quyền sở hữu hợp pháp của con gái ông nên không có căn cứ cho rằng ông bà tẩu tán nhằm né nghĩa vụ trả nợ.

Số báo ngày mai, chúng tôi sẽ ghi nhận quan điểm của giới hành nghề luật về cách giải quyết trong vụ án này. Kính mời độc giả cùng tham gia tranh luận. Các ý kiến xin gửi về email: phapluatcuocsong@phapluattp.vn.

Bán rẻ vì đó là bán cho con gái ruột

Tại các phiên tòa, trả lời HĐXX, ông Quới thừa nhận giá trị toàn bộ bến phà theo hồ sơ hành chính là 1,2 tỉ đồng, còn giá thị trường khoảng 800 triệu đồng. Việc ông bán tổng cộng chỉ 250 triệu đồng là vì ông bán cho con ruột của mình.

HĐXX cũng đặt vấn đề bến phà thực tế ông Quới vẫn là người quản lý, điều hành trực tiếp từ trước đến nay, ông Quới lý giải là làm giúp con gái của mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm