20 năm ngồi xe lăn hớt tóc dạo

Hơn 20 năm qua, ngày nào cũng vậy, dù nắng hay mưa, người dân xã Hoằng Quang (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) vẫn thấy người đàn ông ngồi trên chiếc xe lăn rong ruổi khắp các ngõ hẻm với tiếng rao độc đáo phát ra từ chiếc loa “cắt tóc ngắn, để tóc dài”. Kèm theo là tiếng kèn toe toe xen lẫn giữa những tiếng rao, nghe rất vui tai. Đó là lời rao mời hớt tóc của anh Lê Quang Tý, còn gọi là Tý “xe lăn”.

Phục vụ tận nhà

Anh Lê Văn Bình, một khách hàng cắt tóc quen của anh Tý, kể: “Tôi không nhớ cái xe lăn di động với loa, kèn đi cắt tóc dạo có từ bao giờ, chỉ biết rằng khi tôi lớn lên đã nghe thấy hình ảnh và âm thanh quen thuộc này rồi. Hồi nhỏ dại tôi thường trêu đùa anh ấy mỗi khi thoáng thấy bóng xe lăn ngang qua. Giờ thì tôi và nhiều người xung quanh là khách hàng quen thuộc của anh”.

“Ở đây hầu hết người dân chúng tôi đều được anh Tý phục vụ tại nhà, cứ a lô là anh ấy đến, người dân chúng tôi cứ quen gọi anh là Tý “xe lăn” cắt tóc dạo. Chúng tôi chẳng cần phải đi đâu xa, vừa đỡ mất công, giá lại rẻ, chỉ 5.000-10.000 đồng, thậm chí với những em nhỏ anh Tý còn cắt miễn phí. Những đứa trẻ ở vùng đất gần sông này lớn lên hầu hết đều được bố mẹ kể về anh Tý cho nghe. Bọn trẻ xem anh Tý như là tấm gương về sự nỗ lực, kiên cường vượt lên số phận” - anh Hoàng Văn Thành, một người dân ở xã Hoằng Quang, kể.

Cứ mỗi sáng sớm anh Tý lại bỏ đồ nghề lên xe lăn đi khắp nơi để hớt tóc, đến tận tối mịt anh mới về nhà. Bình quân ngày anh kiếm được 40.000-50.000 đồng. Buổi trưa anh thường nghỉ lại đâu đó trên đường rồi tạt vào quán mua cái bánh, gói mì ăn qua bữa. “Dạo này lạnh nhiều, bệnh khớp tái phát, toàn thân tê buốt, chân tay nẻ toác nhưng mình vẫn phải đi làm đều đặn. Vì không đi thì chẳng biết lấy gì cho con cái ăn học. Vất vả thế nhưng vui” - anh Tý cười.

20 năm ngồi xe lăn hớt tóc dạo ảnh 1

Anh Lê Quang Tý đang ngồi xe lăn hớt tóc cho khách.

Ước mơ có được đôi chân lành lặn

Sinh ra trong một gia đình quanh năm chỉ biết đến cháo bắp, sắn độn, chỉ hai tháng sau khi sinh, Tý bị cơn sốt quái ác hành hạ nhưng nhà không có tiền chạy chữa khiến đôi chân Tý bị co rút và bị tật nguyền từ đó. Suốt những năm sau đó Tý phải gắn mình với chiếc chõng tre nhỏ kê trong góc nhà, mọi sinh hoạt đều phải trông cậy vào bố mẹ. Nhìn đứa con thơ dại của mình ú ớ không ra tiếng, người mẹ khốn khổ chỉ biết gạt nước mắt bất lực nhìn con mà lòng như muối xát. Và rồi bà đã ra đi vào một ngày đầu đông, đất trời xám ngắt.

Mỗi buổi sáng bên bậu cửa, hướng đôi mắt ra con ngõ dài trải đầy nắng, ngoài kia tiếng lao xao của đám bạn cùng trang lứa í ới gọi nhau đến trường, trong Tý lại cháy lên ước mơ về một đôi chân lành lặn. Nhưng ước mơ ấy mãi vẫn chỉ là ước mơ! Lên sáu tuổi, Tý bắt đầu tập dùng đôi tay của mình để đưa tấm thân còm cõi đi quanh đi quẩn trong góc nhà. Cha xoa đầu khen Tý nghị lực trong khi chính ông lại cố giấu tiếng thở dài…

Gió rít giật lên từng cơn, lạnh đến tím tái, đôi bờ sông Mã run rẩy trước những đợt sóng gầm gào, vỗ vu hồi vào bờ. “Tuổi thơ của tôi cũng từng ẩn chứa sự nổi loạn như mặt nước con sông này khi đứng trước những nghiệt ngã, tù túng của số phận…” - anh Tý ứa nước mắt hồi tưởng về những ngày tháng cơ cực đã qua của đời mình.

“Lên tám tuổi, tôi được nhận vào trường làng. Mỗi ngày cha tôi lại cặm cụi cất vó rồi về cõng con đến lớp suốt sáu năm trời. Đến năm 14 tuổi, thấy cha vất vả vì lo kinh tế cho cả gia đình nên tôi xin nghỉ học ở nhà học nghề làm lưới, đan lát, rổ, rá phụ thêm với gia đình. Mỗi khi đi lại tôi đều phải nhờ cha. Có những hôm mọi người vắng nhà, chẳng biết cậy nhờ ai nên tôi mày mò chế ra chiếc xe bốn bánh bằng gỗ để di chuyển. Từ đó, mỗi ngày ai thuê đan rổ, rá hay lưới là tôi làm liền và làm nhanh hơn trước, kiếm đồng ra đồng vào phụ thêm cho cha…” - anh Tý kể.

20 năm ngồi xe lăn hớt tóc dạo ảnh 2

Ngày mới bắt đầu cũng là lúc chị Sửu đẩy xe giúp chồng vượt dốc. Ảnh trong bài: ĐẶNG TRUNG

Mái ấm hạnh phúc

“Ông trời hình như có ưu ái gì đó cho số phận kém may mắn của mình, từ nghề đan lát đến nghề cắt tóc cũng thế. Trong những lúc rảnh rỗi, các em nhỏ đến nhà chơi đều được mình hớt tóc miễn phí, sau đó lại cắt cho bạn cùng trang lứa, cắt nhiều thành quen. Về sau người ta thấy hài lòng nên cho tiền, có người khuyên hay mình chuyển hẳn qua nghề hớt tóc, từ đó mình có thêm nghề mới, có thể nuôi sống được bản thân. May mắn hơn nữa là mình được Nhà nước cấp cho chiếc xe lăn, nghề hớt tóc trên xe lăn cũng bắt đầu từ đó”.

Kể về mối tình với cô thôn nữ xã bên, người đã cho anh một hạnh phúc đúng nghĩa, anh Tý nheo nheo đôi mắt, dí dỏm: “Vợ mình tên Sửu, hơn mình hai tuổi, cũng hoàn cảnh lắm. Cô ấy mồ côi cả cha lẫn mẹ ngay từ khi mới lọt lòng. Không hiểu vì sao cô ấy biết mình. Lúc đầu có người trong xã nửa đùa nửa thật mà rằng: Cô ấy nhắn “Cứ bảo anh ấy lên nhà chơi, nếu ưng thì tôi theo anh ấy về luôn!”. Mình nghe xong mà con tim như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Nhưng rồi mình thoáng nghĩ hạnh phúc có đâu lại dễ tìm đến thế, nhất là với một kẻ tàn tật như mình” - anh Tý cười phớ lớ khi nhớ về “cái buổi ban đầu lưu luyến ấy”.

Hai ngày sau, lấy hết can đảm anh Tý thuê người chở lên xem mặt “vợ tương lai”. Nhưng khi giáp mặt, cả hai nhìn nhau bối rối, thẹn thùng. “Ngay từ cái nhìn đầu tiên mình đã hiểu rằng đời này, kiếp này mình đã thuộc về cô ấy. Khi còn lại hai đứa, mình run run cầm tay cô ấy hỏi thẳng “Có ưng lấy anh không?”. Cô ấy cúi đầu e thẹn rồi nhìn mình gật đầu, sau đó thì theo mình về. Mới đấy mà đã hơn 20 năm rồi, giờ đứa con gái đầu của mình đã học xong lớp 12 và đi làm công nhân ở tận Bắc Ninh, cháu thứ hai thì đang học lớp 11. Vợ mình thì ở nhà làm ruộng, chăm lo chồng con. Quả thật không gì hạnh phúc hơn!” - anh Tý tự hào kể.

Ngồi lặng lẽ nghe chồng kể chuyện, chốc chốc chị Sửu lại lén quay đi gạt những giọt nước lăn dài trên gò má nhăn nheo. Có lẽ đó là những giọt nước mắt của hạnh phúc, vì hơn 20 năm qua, mái ấm gia đình không một lần xuất hiện lời nặng nhẹ nào của anh đối với chị. Anh luôn là người chia sẻ kịp thời những lúc chị buồn hay ốm đau. Chị tâm sự: “Tôi và anh ấy lấy nhau có lẽ là do duyên phận, lúc đầu về đây cũng khổ lắm, hai vợ chồng căng sức mà chỉ có rau lang nấu cháo qua ngày. Giờ thì mọi chuyện đã dễ thở hơn rất nhiều…”.

* * *

“Cuộc đời mình gắn liền với chiếc xe lăn, chiếc xe đã bù đắp cho đôi chân tật nguyền và mang lại hạnh phúc cho mình. Mình luôn trân trọng điều ấy và cố gắng làm nghề hớt tóc cho đến khi nào không thể lăn được bánh xe nữa mới thôi” - anh Tý nói.

Chiều xuống bên dòng sông Mã. Anh Tý lại lăn những bánh xe mưu sinh ngược dốc trở về mái ấm của mình. Bóng anh cùng chiếc xe lăn khuất dần nơi cuối dốc. Hạnh phúc đôi khi chỉ giản dị như thế.

ĐẶNG TRUNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm