21 cựu quân nhân trong đường dây mua bán đạn quân dụng bị phạt tù

(PLO)- 21 bị cáo là cựu quân nhân đã chiếm đoạt đạn quân dụng của đơn vị mình công tác để bán cho người khác.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau ba ngày xét xử và nghị án, ngày 27-4, Tòa án quân sự Quân khu 7 đã tuyên án đối với 25 bị cáo (trong đó có 21 bị cáo là cựu quân nhân) thực hiện hành vi mua bán đạn quân dụng trái pháp luật.

Theo đó, HĐXX đã tuyên phạt Nguyễn Trọng Lực 13 năm tù về tội chiếm đoạt vũ khí quân dụng và tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng. Lê Công Lục bị tuyên phạt 14 năm tù về tội mua bán trái phép vũ khí quân dụng. Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 1 năm 6 tháng tù đến 11 năm 6 tháng tù (2 bị cáo được hưởng án treo).

Ngoài ra, HĐXX còn tuyên các bị cáo phải bồi thường cho các đơn vị quân đội số tiền đã gây ra thiệt hại.

Theo cáo trạng, quá trình công tác trong quân đội, Lê Công Lục (Nhân viên Tài chính thuộc Ban CHQS huyện Tân Phú, Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai) có quen biết với nhiều quân nhân khác công tác trong ngành quân khí tại các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh TP.HCM.

Các cựu quân nhân đã lợi dụng sơ hở, chiếm đoạt đạn tại đơn vị để bán cho người khác (ảnh minh họa). Ảnh: PLO

Các cựu quân nhân đã lợi dụng sơ hở, chiếm đoạt đạn tại đơn vị để bán cho người khác (ảnh minh họa). Ảnh: PLO

Khi công tác tại Ban CHQS huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai thì Lục có quen biết ông Nguyễn Công Phi (làm nông) từ năm 2012. Thông qua sử dụng mạng xã hội facebook, Lục quen biết Đào Bích Sơn (lao động tự do).

Từ năm 2017 đến năm 2021, Đào Bích Sơn có nhu cầu mua đạn quân dụng để bán lại cho các đối tượng khác kiếm lời, bị can Nguyễn Công Phi có nhu cầu mua đạn quân dụng để đi săn thú rừng nên cả hai đã liên hệ với Lục hỏi mua đạn quân dụng loại AR15 và K56, đây là mặt hàng cấm lưu thông, mua bán trên thị trường.

Vì tham lợi vật chất nên Lục đã đồng ý và tìm mua nguồn đạn quân dụng từ các đơn vị quân đội được Bộ quốc phòng cấp phát sử dụng huấn luyện, diễn tập chiến đấu và một đối tượng chưa xác định.

Để che dấu mục đích phạm tội, lấy cớ tìm nguồn đạn để đảm bảo cho công tác huấn luyện bắn đạn thật của đơn vị, Lục đã liên hệ mua đạn quân dụng từ các bị can là quân nhân đang công tác tại Bộ Tư lệnh TP.HCM. Các bị can còn lại đã chiếm đoạt đạn quân dụng của đơn vị nơi mình công tác hoặc mua đạn của những bị can khác để bán cho Lục.

Tính từ năm 2017-2021, Lê Công Lục thực hiện 25 lần mua bán đạn quân dụng trái phép, tổng cộng 29.471 viên đạn quân dụng (gồm 23.221 viên đạn AR15 và 6.250 viên đạn K56). Tổng số tiền Lục bỏ ra trả tiền mua đạn là 261.300.000 đồng. Sau đó Lục dùng số đạn này bán ra bên ngoài cho bị can Nguyễn Công Phi, Đào Bích Sơn và một số đối tượng khác nhiều lần.

Cáo trạng cũng xác định hành vi chiếm đoạt đạn quân dụng của các bị can đã gây ra những thiệt hại cho một số cơ quan, đơn vị quân đội thuộc Quân khu 7.

Tuy nhiên theo văn bản của hội đồng định giá xác định: đạn K56, K51, AR15 là tài sản không phổ biến trên thị trường nên không có cơ sở so sánh và định giá đối với tài sản tương tự.

Do đó, không căn cứ để đánh giá, xác định thiệt hại về tài sản từ hành vi chiếm đoạt đạn quân dụng của các bị can gây ra cho các cơ quan, đơn vị quân đội liên quan trong vụ án. Do vậy chưa đủ cơ sở xem xét, xử lý hình sự hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của những đối tượng liên quan.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm