Các ngư dân phải ăn bèo tây trôi trên biển để cầm cự mà sống sót trở về.
Anh tử nạn trên biển, em nghe tin đột tử
Cho đến chiều tối 8-9, lực lượng tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An vẫn chưa tìm thấy hai ngư dân Đậu Ngọc Cầm (67 tuổi) và Trần Quang Thiện (53 tuổi), đều ở xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An bị chìm tàu cá mang số hiệu NA 93010 TS chở bảy người trên biển vào sáng 5-9 trên vùng biển Quảng Bình.
Bốn ngư dân Trần Văn Cường (16 tuổi), Ngô Sỹ Xô (19 tuổi), Lê Văn Chiến (18 tuổi), Phạm Văn Hoàng (26 tuổi) bơi 25 giờ trên biển, may mắn được tàu của Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị cứu vớt, đã về đến quê nhà ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Riêng anh Nguyễn Văn Thắng (trú xã Sơn Hải) - thuyền trưởng, bơi lênh đênh được tàu hàng ở TP.HCM đi qua phát hiện cứu vớt, đang ở lại Quảng Bình tham gia tìm hai ngư dân còn lại.
Người thân ở quê nhà đã lập bàn thờ cho ông Cầm và ông Thiện. Họ không ngờ sau khi con tàu với bảy người vào cửa Gianh (Quảng Bình) trú ẩn tránh áp thấp nhiệt đới an toàn cho đến ngày 5-9, con tàu đã ra khơi được hơn 10 hải lý thì gặp nạn. Tàu chìm xuống biển. Các thợ lặn ngày hôm qua đã lặn xuống, bơi vào khoang tàu nhưng không thấy thi thể ông Thiện. Ngư dân “nhí” tên Cường (cháu gọi ông Cầm bằng cậu) trở về cung cấp thông tin: “Cậu đã tử vong rồi!”. Điều kỳ diệu đã không xảy ra với ông Cầm, bà Nguyễn Thị Huế (vợ ông Cầm) khóc, ngất xỉu.
Cả làng biển Sơn Hải đang chùng buồn vì sự mất mát chìm tàu thì bàng hoàng hay tin bà Đậu Thị Vân (52 tuổi, em gái ông Cầm) đột tử. Khi nghe tin báo anh trai đã tử vong trên biển, vì quá thương anh, bà Vân khóc ngất rồi bị đứt mạch máu não, tử vong.
Ông Trần Văn Hòa (bố của em Cường) nói trong nước mắt: “Con trai tôi may mắn sống sót trở về nhưng niềm vui chưa trọn vẹn khi hai người cậu đang nằm ở biển khơi chưa tìm thấy thi thể”.
Cường và các thuyền viên được cứu sống đã trở về trong tay cha mẹ. Sau 25 giờ đồng hồ trôi dạt trên biển, đã cố mang theo thi thể người cậu nhưng rồi đành buông tay. Đây là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với Cường và các ngư dân.
Cường khóc nói: “Con đã cố bơi mang theo thi thể cậu Cầm được 3-4 giờ đồng hồ trên biển. Nhưng do phao nhỏ quá, gió thổi đẩy ra ngoài biển, con không trụ được nữa nên buộc thi thể cậu vào phao để trôi ra biển Đông”.
Ngư dân Lê Văn Chiến trở về trong vòng tay ấm áp của mẹ và người thân. Ảnh: Đ.LAM
Ba ngư dân Trần Văn Cường, Ngô Sỹ Xô, Lê Văn Chiến (hàng đầu) về đến quê nhà ở Nghệ An. Ảnh: Đ.LAM
25 giờ ngất đi tỉnh lại trên biển
Các ngư dân cho biết khi gặp sóng to, gió lớn, tàu nghiêng sang bên phải rồi chìm nhanh. “Các thuyền viên chưa kịp mặc áo phao thì thuyền bị sóng biển đánh chìm, tất cả bảy ngư dân dạt ra biển mỗi người một nơi. Rất may, khi tàu chìm, những chiếc phao dù, nắp đậy thùng đá bằng xốp bung ra khỏi tàu nên các thuyền viên bơi đến để bám vào” - anh Hoàng kể.
Anh Thắng bị sóng đánh trôi xa ra. Anh Hoàng, anh Xô, anh Chiến và Cường cùng bám theo tấm xốp và nắp hầm cá bơi lênh đênh.
Cường nhớ lại khi tàu chìm, em có nghe cậu Cầm, ông Thiện gọi thuyền trưởng Thắng. Còn Cường cố gắng bơi và sau đó phát hiện cậu của mình đã tử vong. Nén đau thương, Cường lấy bình tĩnh vừa bơi trên biển vừa cố gắng mang theo thi thể cậu với ý nguyện đưa cậu về quê nhà.
Sau 4 giờ bơi mang theo thi thể cậu, Cường biết không thể cố được nữa đành cột thi thể cậu vào áo phao có số 59 rồi nói: “Mong cậu tha lỗi, chúng cháu cũng kiệt sức rồi, không biết sống chết thế nào, sẽ có người vớt được thi thể cậu”. Cường và ba ngư dân đành buông tay, thả thi thể ông Cầm trôi trên biển.
Lúc đó, do ngâm nước quá lâu, trời lạnh, các ngư dân bắt đầu đơ cứng miệng, lưỡi. Anh Hoàng đã bảo Cường và các em vớ lấy bèo tây - từ đất liền bị lũ lụt đẩy trôi ra biển, ăn bèo tây để chống cứng miệng, cho đỡ đói khát. Các ngư dân ăn bèo tây, tiếp tục bơi rồi phát hiện một số đoạn cây gỗ trôi nổi trên biển bèn kết lại để ôm víu vào bơi.
“Lúc rơi xuống biển, em cũng như các thuyền viên khác chưa kịp ăn gì nên khi vật lộn với sóng biển nhiều giờ ai nấy cũng thấm mệt, đuối sức. Lúc này hai hàm răng đều cứng đơ vì lạnh, đói và khát nữa nhưng may mắn có anh Hoàng là người lớn tuổi đỡ em lên tấm gỗ để hồi sức, sau đó em mới tỉnh lại được” - anh Xô kể.
Khi đang kiệt sức, bốn ngư dân lại may mắn vớ được một dây sữa tươi trôi trên biển. Anh Xô nói: “Dây sữa có bốn lốc đã hết hạn hơn một năm rồi nhưng lúc đó đói quá, khát quá, chúng em chia nhau mỗi người một hộp uống để cầm cự. Cũng may là sữa hết hạn nhưng uống vào không bị ngộ độc”.
Sau khi qua một đêm lênh đênh trên biển, đến khoảng 9 giờ sáng 6-9, sau 25 giờ vật lộn trên biển giữa sự sống và cái chết, Cường và ba ngư dân phát hiện từ xa có một con tàu đang di chuyển. Anh Hoàng đã đỡ cho Cường đứng lên những khúc gỗ kết lại để Cường cầm áo vẫy gọi và hét to cầu cứu. Khoảng 5 phút sau, tàu cứu hộ CN09 thuộc Đồn biên phòng Cồn Cỏ (Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị) đã tới cứu vớt bốn ngư dân lên tàu và đưa về bờ. Vị trí cứu vớt ngư dân cách nơi tàu đắm khoảng 70 km.
Yêu thương, đoàn kết trong phút sinh tử Bốn ngư dân phải bơi qua đêm 5-9 trên biển. “Lúc đó, em nghĩ mình rồi sẽ không sống sót trở về quê được nữa. Cháu nghĩ nhiều về bố, mẹ, các chị. Rất may là anh Hoàng rất lạc quan, luôn trêu chọc cho chúng em vui cười để tinh thần lạc quan hơn mà không buông tay” - Cường nói. Anh Hoàng nhớ lại: “Dù tinh thần hoảng loạn nhưng chúng tôi luôn động viên nhau gắng bám vào phao. Có người bị ngất anh em vẫn nỗ lực giữ không bị chìm. Trong giây phút sinh tử chúng tôi đoàn kết lắm!”. Chiều 8-9, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An cho biết: Hiện nay tàu dầu Avance Ocean, tàu lai dắt HQ 967 của Bộ Tư lệnh Hải quân, tàu CN09 của Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị, tàu lai dắt Hải Vân của Đà Nẵng, tàu lai dắt Thiện Tài của Hà Tĩnh cùng các tàu cá ngư dân… đang triển khai công tác tìm kiếm hai ngư dân mất tích. |