Chiều 4-8, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu các đơn vị trực thuộc chỉ đạo các cấp công đoàn tiếp tục đôn đốc, kiến nghị và phối hợp với chủ doanh nghiệp đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà.
Cạnh đó, cán bộ công đoàn phải chủ động đề xuất, kiến nghị và phối hợp hỗ trợ chủ doanh nghiệp triển khai việc lập danh sách, các biểu mẫu đăng ký thủ tục thực hiện hỗ trợ.
Hiện nay, trên địa bàn cả nước có hơn 60% công nhân lao động đang phải thuê nhà ở gần các khu công nghiệp, khu chế xuất. Ảnh: V.LONG |
Công đoàn các cấp cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch. Kiến nghị và phối hợp với chính quyền đồng cấp giải quyết các vướng mắc phát sinh về trình tự thủ tục hồ sơ của người lao động để kịp thời được hỗ trợ.
“Tổng hợp, báo cáo về Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tình hình thực hiện tại địa phương, đơn vị về tồn tại, hạn chế, khó khăn vướng mắc và những kiến nghị, đề xuất…”- Văn bản Tổng Liên đoàn lao động nêu rõ.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 3-8, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thừa nhận tiến độ giải ngân gói hỗ trợ thuê trọ của các địa phương quá chậm. “Chính sách, kinh phí đã có, Thủ tướng đã đốc thúc nên không thể chậm trễ hơn nữa”- Ông nói.
Đến nay, 51 tỉnh, thành đã phê duyệt hồ sơ của 17.300 doanh nghiệp, với 1,2 triệu lao động. 31 địa phương đã giải ngân 350 tỉ đồng, cho 620.000 lao động. Tỉ lệ lao động được hỗ trợ thuê trọ đạt 5,4%, tăng hơn 4% so với đầu tháng 7.
Còn 29 địa phương chưa giải ngân gói hỗ trợ. Nhiều nơi tỉ lệ rất thấp, như Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, An Giang, chỉ đạt dưới 1%...
“Nguyên nhân do địa phương còn thờ ơ, lúng túng trong việc bố trí, sử dụng kinh phí. Doanh nghiệp sợ trách nhiệm, không dám xác nhận và lập hồ sơ đề nghị cho người lao động. Người lao động chưa nắm hết thông tin để chủ động làm thủ tục…”- Ông Dung cho hay.
Theo quy định, chậm nhất là 15-8, hoàn thành toàn bộ việc hỗ trợ tiền thuê trọ cho người lao động.