3 anh em hơn 20 tuổi mong có CCCD

(PLO)- Vì nhiều lý do, ba anh em khi 20 tuổi mới làm khai sinh, nay lại gặp khó trong việc đăng ký thường trú để từ đó làm CCCD.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tiếp tục gửi thông tin đến Pháp Luật TP.HCM, ba anh em trước đây là nhân vật trong bài viết “3 anh em hơn 20 tuổi chưa có giấy khai sinh” phản ánh sau khi được UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức cấp giấy khai sinh thì lại gặp khó khi làm thủ tục đăng ký thường trú.

Mong có CCCD để đi xin việc

Ba anh em Trương Thanh Tùng (sinh năm 1993), Trương Thanh Tài (sinh năm 2000) và Trương Thanh Lộc (sinh năm 2002) đều ngụ tại 145/36 quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP.HCM. Ba anh em cho biết họ liên hệ công an phường đăng ký thường trú tại địa chỉ trên nhưng lại bị vướng, vì căn nhà do ông bà nội để lại chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (gọi tắt là sổ hồng).

Ba anh em Tùng trình bày với PV về hoàn cảnh gia đình và mong sớm được giải quyết đăng ký thường trú để được cấp CCCD. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Ba anh em Tùng trình bày với PV về hoàn cảnh gia đình và mong sớm được

giải quyết đăng ký thường trú để được cấp CCCD. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Anh Trương Thanh Tùng kể: Trước đây, do hoàn cảnh gia đình quá nghèo, cha mẹ lại không biết chữ nên sau khi sinh ba anh em ra không ai được làm giấy khai sinh. Mãi đến năm 2012, bạn bè cùng trang lứa được đến trường học còn ba anh em không có giấy khai sinh nên chỉ học lớp tình thương. Sau đó cha mẹ mới làm thủ tục đăng ký kết hôn để làm giấy khai sinh cho ba anh em. Đăng ký kết hôn xong cũng chưa làm khai sinh cho ba anh em vì sợ làm giấy khai sinh trễ hạn sẽ bị phạt.

Sau đó, có người cô thương tình đã đi làm thủ tục đăng ký khai sinh giùm ba anh em nhưng hồ sơ lại bị vướng vì lúc này cả ba anh em đã trên 18 tuổi lại thiếu giấy chứng sinh.

Anh Tùng cho biết thêm: “Ngày 9-4-2021, Pháp Luật TP.HCM có viết bài phản ánh về trường hợp của ba anh em tôi. Sau đó, cả ba người được cấp giấy khai sinh khi người nhỏ nhất đã chớm 20 tuổi. Đến đầu năm nay, ba anh em tôi liên hệ Công an phường Hiệp Bình Chánh để được hướng dẫn thủ tục đăng ký thường trú vào căn nhà của ông bà nội tôi để lại, hiện do người cô ruột làm chủ hộ. Sau khi xem giấy tờ thì công an phường cho biết trường hợp đăng ký thường trú của ba anh em tôi bị vướng vì căn nhà chưa được cấp sổ hồng”.

“Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống vì không có CCCD. Không có CCCD, đi học muộn do chậm làm giấy khai sinh nên chúng tôi chỉ xin được một số công việc như rửa chén cho quán ăn, bán nước lề đường… Tôi rất mong được đăng ký thường trú để đi làm CCCD, từ đó dễ đi xin việc hơn, rồi còn lập gia đình, có con cái. Nếu như không có CCCD, chúng tôi sẽ khó xin việc, không được đăng ký kết hôn, không có tên trong giấy khai sinh của con chúng tôi…, rất thiệt thòi. Vì thế, được đăng ký thường trú và làm CCCD là điều ao ước lớn nhất của ba anh em chúng tôi hiện nay” - anh Tùng chia sẻ.

“Nếu như không có CCCD, chúng tôi sẽ khó xin việc, không được đăng ký kết hôn, không có tên trong giấy khai sinh của con chúng tôi.”

Trương Thanh Tùng

Phường hướng dẫn thủ tục đăng ký thường trú

Trao đổi với chúng tôi, một đại diện Công an phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức cho biết đối với trường hợp trên, đề nghị ba anh em Trương Thanh Tùng, Trương Thanh Tài và Trương Thanh Lộc liên hệ với cán bộ, công an phường để được hướng dẫn thủ tục đăng ký thường trú cụ thể.

Ngày 22-9, chúng tôi đi cùng ba anh em Tùng đến Công an phường Hiệp Bình Chánh để hỏi về thủ tục đăng ký thường trú.

Tại đây, cán bộ công an phường cho biết Điều 20 Luật Cư trú năm 2020 quy định công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý.

Thực tế hiện nay ba anh em đang ở trong căn nhà do người cô ruột làm chủ hộ. Tuy nhiên, căn nhà đó chưa được chuyển nhượng sang tên cho người cô mà đây là tài sản thừa kế do ông bà để lại cho nhiều người.

Vì thế, trường hợp của ba anh em Tùng, ngoài việc được người cô (là chủ hộ) đồng ý cho đăng ký thường trú thì cần phải có ý kiến của chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp. Để xác định được chủ sở hữu trong trường hợp này thì tất cả người thừa kế căn nhà trên phải có đơn xác nhận chữ ký với lời cam kết là đồng sở hữu, đơn này do UBND phường xác nhận. Đồng thời, các đồng thừa kế phải có ý kiến cho ba anh em Tùng, Tài, Lộc đăng ký thường trú tại địa chỉ trên.

Sau đó, công an phường sẽ tiếp nhận và xem xét giải quyết đăng ký thường trú.•

Thủ tục, giấy tờ đăng ký thường trú

Công an một phường tại TP.HCM cho biết: Theo Luật Cư trú 2020, đối với trường hợp công dân trên 18 tuổi nếu muốn đăng ký thường trú tại nhà người thân (cô, dì, chú, bác) thì sẽ đăng ký thường trú theo diện cho ở nhờ. Khi đó phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 3 Điều 21 Luật Cư trú và khoản 2 Điều 5 Nghị định 62/2021.

Cụ thể, hồ sơ đăng ký thường trú bao gồm tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp được cho ở nhờ; hợp đồng cho ở nhờ; giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký thường trú không thấp hơn 8 m2 sàn/người.

Giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký thường trú gồm: Sổ hồng có thể hiện thông tin về diện tích nhà ở đang sử dụng hoặc xác nhận của UBND cấp xã không thấp hơn 8 m2 sàn/người.

HỮU ĐĂNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm