Malaysia Airlines phải thay đổi toàn diện mới mong tồn tại được sau thảm họa kép xảy ra với hai chuyến bay MH 370 và MH 17, cướp đi sinh mạng của 537 người.
Sau đây là ba việc lớn mà MAS phải làm ngay để giữ nguồn khách hàng
Tái cơ cấu doanh nghiệp
Từ trước khi xảy ra vụ máy bay MH17 bị bắn ở Ukraine, MAS đã gặp phải nhiều khó khăn về tài chính. Đại diện hãng cho biết lợi nhuận trong năm qua đã xuống rõ rệt dù để cạnh tranh, hãng đã đưa ra mức giá rất thấp. Thậm chí, MAS phải cầu viện đến gói hỗ trợ của chính phủ.
Cổ phiếu của hãng bay xuống giá thê thảm, nhiều cổ đông muốn rút vốn để đầu tư vào lĩnh vực khác. Do đó, việc mời gọi những nhà đầu tư có tiềm năng đang là nhiệm vụ quan trọng đối với người điều hành MAS.
Có thể tính thêm tới khả năng liên kết với hãng hàng không châu Á (Air Asia) để tăng cường nguồn lực tài chính cũng như những ưu đãi khác về sân đỗ, trạm trung chuyển v.v… Từ đó mở thêm các đường bay ngắn giá rẻ.
Cắt giảm chi phí
Nhiều chuyên gia phân tích cho là MAS nên thu hẹp hoạt động, tăng cường sự đầu tư vốn từ tư nhân để tạo ra sức mạnh cạnh tranh.
Ông Rahman cho biết Malaysia Airlines nên giảm bớt số lượng chuyến bay trọn gói và giảm giá vé nhiều hơn. Hãng cũng cần giảm giá các dịch vụ đi kèm như thức ăn, đồ uống trên các chuyến bay, nhằm đánh vào tâm lý của khách hàng trong thời kỳ khủng hoảng. Tuy nhiên cần đảm bảo rằng chất lượng phục vụ không được buông lỏng.
Thay đổi nhận thức cho khách hàng
Đây là thách thức lớn nhất mà MAS phải đối mặt. Họ bắt buộc phải thay đổi suy nghĩ của khách hàng về hãng. Tâm lý chung của hành khách là lo sợ khi bay cùng MAS, phải tạo cho họ một cảm giác mới mẻ, bắt đầu từ cái nhìn, tiến tới là cảm giác của khách khi đến với hãng.
MAS nên thay đổi logo và màu sắc của các máy bay như một cách để tạo ra sự mới mẻ, lật sang một chặng đường kinh doanh mới tốt đẹp hơn. Đây cũng là cách mà Japan Airlines làm sau tai nạn năm 1985.
Malaysia Airlines là một thương hiệu mang tầm cỡ quốc gia, vì thế nền tảng của nó vốn dĩ khá vững vàng. Tuy nhiên, không thể vì thế mà chủ quan, bảo thủ không tìm cách thay đổi, nhất là khi thay đổi đó quyết định sự tồn vong của hãng.