Con người đang đau đầu với rác thải từ nhựa bởi nó có mặt khắp nơi trên trái đất, khó phân hủy, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống, đến sức khỏe của con người. Tuy nhiên, nhựa là vật liệu quan trọng trong đời sống của chúng ta nên khó mà tách rời được.
Rác ùn ứ lâu ngày trên kênh Rạch Dừa (quận Thủ Đức, TP.HCM) trong thời gian gần đây.
Mặc dù các nhà khoa học trên thế giới đang cố gắng tìm kiếm một nguyên liệu khác phù hợp để thay thế nhưng đến nay vẫn chưa có. Bất cứ thứ gì mà chúng ta đang dùng hầu như đều dính dáng đến nhựa. Đó là ti-vi, điện thoại, xe máy, ô tô, đồ chơi, máy vi tính, nội thất, gia dụng... Vậy thì thay vì tìm cách đối phó, sao chúng ta không chung sống với đồn nhựa như một người bạn thân thiện (do chính con người đã tạo ra)? Tôi muốn gợi ý ba cách để chúng ta cùng sống chung an toàn với đồ nhựa và bớt xả rác nhựa ra môi trường:
-Thay thế thói quen tiêu dùng. Ra các chợ truyền thống, nhất là chợ trời, thấy tiểu thương trưng bày la liệt các hàng hóa từ nhựa mà choáng ngợp. Biết bao nhiêu ly, chén, thau, rổ... từ nhựa được khuyến mãi với giá cực kỳ rẻ kích thích sức mua của người tiêu dùng. Có người mua chẳng biết làm gì, nhưng thấy bắt mắt, lại ham rẻ nên mua cho bằng được rồi đem về để đó. Hoặc đồ cũ ở nhà còn tốt chán, thậm chí ít độc hại hơn đồ nhựa mới không nhãn mác, nhưng người ta vẫn đổ xô mua để vứt cái cũ vào sọt rác. Nếu chúng ta lờ đi, ít mua đồ nhựa đi, là một cách làm cho sức cung ra thị trường sẽ giảm lại (vì ít người mua). Hiện nay, vài siêu thị trong cả nước đã không bán ống hút hay những mặt hàng nhựa dùng một lần rồi bỏ. Đây là ý tưởng hay cần nhân rộng và lâu dài.
Một thùng rác được làm từ những vỏ chai nhựa đã ra sử dụng được đặt trên kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè.
- Biến rác nhựa thành đồ vật có ích. Những chiếc xô, thau nhựa bị xì lỗ, hay những chai nước uống xong vứt đi thật là lãng phí và nguy hại. Nên biến chúng thành những chậu hoa, vật đựng đồ linh tinh khác. Những chai nước suối có thể biến thành chậu hoa lan, hoa mười giờ đặt trước sân nhà, quán cà phê, quán ăn tạo không gian xanh mát. Có thể duy trì tuổi thọ những thứ bỏ đi này được nhiều năm nữa, tiết kiệm một khoản chi tiêu nho nhỏ.
Một coi cá voi chết vì 40 kg rác thải nhựa trong bụng trên bờ biển Philippines. Ảnh: The Guardian
-Tạo thói quen phân loại rác tại nguồn trước khi vứt. Ở nhiều nước, người dân đã ý thức để rác đúng chỗ, tự giác phân loại từ rất lâu nên đường phố lúc nào cũng sạch sẽ. Vì thế mà giảm được nạn ô nhiễm môi trường. Trong khi ở ta, dù đã được chính quyền địa phương tuyên truyền rất nhiều, thậm chí là có quy định phạt hành chính người xả rác không đúng chỗ, không phân loại rác nhưng dường như vẫn hoài công. Vì môi trường trên hành tinh này, vì thế hệ tương lai của con em chúng ta, mọi người hãy thôi xả rác tứ tung. Phân loại rác, đặt rác đúng nơi quy định còn giúp những người nhặt ve chai có thêm thu nhập và việc tái chế nhựa dễ dàng hơn.