3 rủi ro khi 'trái cây vua' Việt Nam bị EU đưa vào diện giám sát

(PLO)- EU mới đây đã ra thông báo nâng tần suất kiểm tra, giám sát lên 10% đối với sầu riêng Việt Nam khi nhập khẩu vào thị trường này.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sầu riêng đã trở thành “trái cây vua”, ngôi sao sáng trong ngành nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Đến hết năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt 2,1 tỉ USD, tăng tới 1,82 tỉ USD so với 288 triệu USD của năm trước. Thế nhưng gần đây EU đã đưa sầu riêng Việt Nam vào diện phải giám sát cửa khẩu. Điều này sẽ gây ra không ít trở ngại và rủi ro cho sầu riêng Việt Nam khi thâm nhập sâu hơn vào thị trường này.

Sầu riêng bị đưa vào tầm ngắm

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết đây là lần đầu sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu vào EU bị đưa vào diện kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại cửa khẩu với tần suất 10%. Nghĩa là cứ 10 thùng hàng thì sẽ có một thùng bị kiểm tra.

Việt Nam.jpeg
Sầu riêng là ngành hàng tỉ đô, với kim ngạch xuất khẩu năm vừa qua vượt 2 tỉ USD, cao nhất trong các loại rau quả xuất khẩu. Ảnh: AN HIỀN

“Việc tăng tần suất kiểm tra cũng đồng nghĩa với việc các lô hàng đó bị kéo dài thêm thời gian được nhập khẩu vào EU. Nếu kết quả kiểm tra lô hàng có vấn đề thì lô hàng đó sẽ bị hủy ngay tại biên giới” - ông Nguyên nói.

Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên thông tin thêm: Các lô hàng sầu riêng của nước ta khi xuất sang EU trước đây cơ quan chức năng chỉ lấy mẫu kiểm tra khoảng 2%-3%. Với việc phát hiện một số lô hàng vi phạm vừa rồi, EU đã tăng lên 10%.

“Nếu thời gian tới, EU tiếp tục phát hiện lại có lô hàng vi phạm quy định của EU thì họ có thể nâng tần suất kiểm tra lên 20% hoặc hơn nữa. Như đậu bắp và ớt chuông hiện cũng đang chịu tần suất kiểm tra 50%, thanh long trước đây cũng chịu tần suất kiểm tra 50% nhưng sau một thời gian cải thiện, khắc phục thì EU đã giảm tần suất kiểm tra xuống 20%” - ông Nguyên chia sẻ.

Cách đây ít ngày, Liên minh châu Âu (EU) đã đăng thông báo về việc tạm thời tăng cường các biện pháp kiểm soát chính thức và các biện pháp khẩn cấp quản lý hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này. Trong thông báo của EU, có một số mặt hàng của Việt Nam gồm ớt chuông, mì ăn liền và sầu riêng sẽ chịu giám sát cửa khẩu.

Theo đó, tần suất kiểm tra với ớt chuông là 50%, mì ăn liền là 20% và sầu riêng là 10%. Với các mặt hàng gồm đậu bắp, thanh long vẫn nằm trong tần suất kiểm tra tương ứng là 50% và 20%.

Lý do khiến sầu riêng Việt Nam lần đầu bị đưa vào diện kiểm soát, theo Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam), là do trong sáu tháng cuối năm 2023, Việt Nam đã có ba lô hàng sầu riêng xuất sang EU vi phạm quy định. Ba lô hàng này có tổng khối lượng khoảng hơn 1 tấn, trong đó có một lô 90 kg, một lô 515 kg và lô còn lại 525 kg.

“Hiện nay, Việt Nam đang xuất khẩu sầu riêng sang thị trường EU gồm cả dạng tươi và đông lạnh. Với những lô hàng có khối lượng nhỏ bị cảnh báo ở trên nhiều khả năng là các lô hàng sầu riêng tươi. Đây có thể là các lô hàng của các công ty xuất khẩu nhỏ lẻ, xuất khẩu ở dạng buôn chuyến nên chưa có kinh nghiệm trong việc thu mua nông sản, không kiểm soát kỹ chất lượng đầu vào và nguồn gốc sản phẩm” - đại diện Văn phòng SPS Việt Nam nhận định.

Cần tìm hiểu rõ quy định của từng thị trường

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, cho hay: Theo quy định của EU thì cứ sáu tháng một lần, Nghị viện châu Âu sẽ họp và xem xét, đánh giá tần suất kiểm tra biên giới đối với nông sản, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi của nước thứ ba nhập khẩu vào EU.

Do vậy, việc EU tăng hay giảm tần suất kiểm tra biên giới đối với mặt hàng nông sản, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi của các nước thứ ba là hoạt động thường xuyên theo quy định của EU.

Còn nhớ cuối năm 2023, cơ quan kiểm dịch Nhật Bản cũng phát hiện hai lô sầu riêng, ớt đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, yêu cầu doanh nghiệp phải tiêu hủy. Tháng 9-2023, một lô hàng 10 kg bòn bon của Việt Nam cũng bị Iceland phát hiện có hàm lượng cao thuốc trừ sâu gốc carbaryl. Sau đó, Iceland đã phát tin cảnh báo nhanh về thực phẩm của Liên minh châu Âu. Lô hàng cũng đã bị tiêu hủy ngay tại cửa khẩu.

Qua những sự việc này cho thấy dù chỉ là 10 kg bòn bon hay chỉ hơn 1 tấn sầu riêng, với số lượng hàng cực kỳ ít nhưng nếu vi phạm các quy định của các nước nhập khẩu thì vẫn ít nhiều ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của nông sản Việt Nam.

Riêng với mặt hàng sầu riêng, hiện có thể bị đưa vào diện kiểm tra với tần suất 10% nhưng nếu không khắc phục các vi phạm thì tần suất kiểm tra sẽ tiếp tục tăng lên, lúc đó sự ảnh hưởng đối với thương hiệu của cả ngành hàng là rất lớn.

Ngược lại, nếu các doanh nghiệp, hợp tác xã phối hợp chặt chẽ, kiểm soát tốt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật với sầu riêng, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm thì sáu tháng sau có thể được EU đưa ra khỏi danh sách.

“Doanh nghiệp cần phải nhận thức rõ ràng rằng chỉ cần bị tuýt còi một lần là sẽ kéo theo tất cả doanh nghiệp khác trong ngành chịu mức kiểm soát tăng cường ở cửa khẩu. Hiện nay, không riêng gì thị trường EU, hầu hết thị trường đều đưa ra cảnh báo dù chỉ một lô hàng vi phạm. Điều ấy sẽ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của cả ngành hàng” - ông Ngô Xuân Nam khuyến cáo.

Đồng quan điểm, ông Đặng Phúc Nguyên, nhấn mạnh: Mỗi thị trường có một quy định khác nhau nên khi doanh nghiệp muốn xuất khẩu sang thị trường nào thì cần phải tìm hiểu và đáp ứng đúng các yêu cầu, tiêu chuẩn của thị trường đó. Có những chất ở thị trường này cho phép nhưng thị trường khác lại không cho phép.

“Khi xuất khẩu đi thị trường nào thì đầu tiên là phải đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay phân bón hóa học nhiều, đảm bảo thời gian cách ly để hóa chất không còn tồn dư nhiều trong sản phẩm”.

EU giảm cảnh báo vi phạm đối với nông sản, thực phẩm Việt Nam

Theo Văn phòng SPS Việt Nam, 10 tháng năm 2023, EU đưa ra gần 3.900 cảnh báo về an toàn thực phẩm đối với hàng nông sản, thực phẩm nhập khẩu. Trong đó có 55 cảnh báo đối với nông sản, thực phẩm từ Việt Nam, giảm 15% so với năm 2022.

Rau quả là nhóm hàng bị cảnh báo nhiều nhất với 23 trường hợp, tiếp đó là sản phẩm thủy sản với 19 trường hợp, bánh kẹo và các sản phẩm chế biến khác 13 trường hợp. Trong đó, vi phạm do dư lượng hóa chất chiếm cao nhất với 58%, vi phạm do độc tố nấm mốc chiếm 9% và vi phạm khác chiếm 33%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm