Ngày 8-3, TAND TP.HCM tổ chức hội nghị giới thiệu, tuyên truyền phổ biến thực hiện thí điểm về đổi mới tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND hai cấp TP.HCM.
Ông Trần Thế Lưu, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm hòa giải, đối thoại tại TAND hai cấp TP.HCM phát biểu chỉ đạo tại hội nghị ngày 8-3.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chánh án TAND TP.HCM Ung Thị Xuân Hương khẳng định qua ba tháng thí điểm 10 trung tâm hòa giải, đối thoại (gọi tắt là Trung tâm) tại TP.HCM đã dần đi vào hoạt động, đạt kết quả khả quan.
Cụ thể là tính đến ngày 15-2-2019, các Trung tâm đã tiếp nhận 4023 đơn khởi kiện từ tòa án chuyển qua để thực hiện hòa giải, đối thoại. Trung tâm đã đưa ra hòa giải, đối thoại 2202 trường hợp và kết quả hòa giải thành 1580 đạt tỷ lệ 71,8%.
Bà Hương cũng cho biết bên cạnh kết quả trên thì Trung tâm còn gặp một số khó khăn vướng mắc như công tác hướng dẫn nghiệp vụ của TAND Tối cao về nghiệp vụ hòa giải, đối thoại chưa được thống nhất, chặt chẽ. Một số hòa giải viên, đối thoại viên còn nặng nề nghiên cứu, đánh giá chứng cứ, tập trung vào việc áp dụng pháp luật trong khi quan trọng là gợi ý, hướng dẫn các bên thỏa thuận, thương lượng tìm cách tốt nhất giải quyết vấn đề…
“Đặc biệt, hiện nay người dân, các cơ quan, tổ chức nhận thức về ý nghĩa, lợi ích của hòa giải viên, đối thoại viên vẫn còn hạn chế. Nhiều thư mời gửi đương sự không đến đều này ảnh hưởng đến công tác đối thoại, hòa giải của Trung tâm”- bà Hương, nhấn mạnh.
Ông Tống Anh Hào, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao là báo cáo viên giới thiệu, tuyên truyền phổ biến về chủ trương, nội dung ý nghĩa của việc thí điểm về đổi mới tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính.
Ông Tống Anh Hào, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao hướng dẫn về hoạt động, nội dung, ý nghĩa Trung tâm hòa giải, đối thoại tại hội nghị.
Ông Hào nêu ra bốn cái lợi cho người dân khi tham gia hòa giải và đối thoại. Thứ nhất là giải quyết bằng con đường hòa giải, đối thoại là hai bên cùng thắng khi hòa giải thành là sự thỏa thuận, thống nhất của các bên. Đây là phương án giải quyết tranh chấp tốt nhất.
Thứ hai là ít tốn kém nhân lực hơn khi giải quyết bằng con đường tố tụng tòa án. Thứ ba là ít tốn thời gian cho các bên hơn. Vì theo quy định, Trung tâm tiếp nhận hồ sơ giải quyết đối thoại, hòa giải trong vòng 20 ngày, trường hợp phức tạp hay khi các đương sự yêu cầu thì cũng không quá hai tháng. Nếu theo thủ tục tố tụng thì ít nhất cũng phải bốn tháng, xử sơ thẩm, phúc thẩm thậm chí có vụ lên đến 10 năm vẫn chưa xong một vụ án….
Khi hòa giải, đối thoại thì các đương sự tiết kiệm được công sức, chi phí bởi trong thời gian thí điểm thì Nhà nước hoàn toàn hỗ trợ chi phí này nên các đương sự không phải lo chi phí. Thứ tư mà hỏa giải, đối thoại mang lại là tăng cường sự đoàn kết, đồng thuận trong nhân dân…
TAND quận Tân Phú và quận Bình Tân TP.HCM trình bày tham luận về thực hiện công tác của Trung tâm hòa giải, đối thoại tại đơn vị.
Đại diện TAND quận Bình Tân trình bày tham luận tại hội nghị. Ảnh: K.P
Phát biểu kết luận hội nghị ông Trần Thế Lưu, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm hòa giải, đối thoại tại TAND hai cấp TP.HCM đề nghị mỗi đại biểu dự hội nghị phải chủ động tuyên truyền, giới thiệu, phổ biến cho cơ quan đơn vị mình nắm được công tác hòa giải, đối thoại để thực hiện trong quá trình giải quyết công việc.
Đối với Sở Tư pháp TP.HCM, ông Trần Thế Lưu nói: “Sở Tư pháp phối hợp với TAND TP tiếp tục nghiên cứu các tài liệu tuyên truyền, phương pháp, hình thức tuyên truyền để phục vụ công tác tuyên truyền ở mỗi cấp, mỗi ngành để đạt hiệu quả tốt nhất”. TAND TP là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo phải bám sát các hướng dẫn của TAND Tối cao, của TP về thực hiện thí điểm hòa giải, đối thoại tại TP.HCM. Thường xuyên nắm bắt tình hình, đề xuất cho Ban chỉ đạo kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thí điểm công tác trên.
Ông Trần Thế Lưu cũng chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện tiếp tục thực hiện công văn của UBND TP về thí điểm hoạt động của Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND. Đoàn Luật sư, Hội luật gia TP cần tuyên truyền cho các luật sư, luật gia hợp tác với các Trung tâm về công tác hòa giải, đối thoại này.
TP.HCM có 10 trung tâm hòa giải tại 10 tòa Theo đó, TP.HCM đã triển khai thí điểm việc hòa giải, đối thoại tại các Trung tâm hòa giải đặt tại 10 TAND gồm một trung tâm tại TAND TP và chín trung tâm tại TAND các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Gò Vấp, Bình Tân, Tân Phú và các huyện Củ Chi, Bình Chánh. Thời gian triển khai thí điểm là sáu tháng, bắt đầu từ ngày 1-11-2018. |