Hôm Chủ nhật (6-1), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Mỹ đang "đàm phán một địa điểm" cho hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai với ông Kim Jong-un. Cả hai nhà lãnh đạo đã gián tiếp trao đổi với nhau.
Chưa chốt danh sách địa điểm
Mỹ vẫn chưa quyết định đâu là địa điểm ưu tiên nhất và cũng chưa chốt danh sách cuối cùng các địa điểm tiềm năng. Đồng thời Washington vẫn chưa thông báo cho Bình Nhưỡng các kế hoạch chi tiết. Quan chức của cả hai nước cũng chưa cùng nhau đến thăm các địa điểm mà Mỹ dự kiến.
Các chương trình làm việc của cả hai nước yêu cầu cả hai phải chọn ra một thời điểm và địa điểm để tổ chức thượng đỉnh Trump-Kim lần hai. Tuy nhiên cho đến lúc này, việc thuyết phục cả hai bên cùng ngồi vào bàn đàm phán đã là một thách thức không nhỏ.
Cuối năm ngoái, cuộc họp dự kiến diễn ra tại thành phố New York giữa Mỹ và Triều Tiên bị hủy. Đến nay vẫn chưa có kế hoạch mở lại cuộc họp này. Stephen Biegun, đại diện đặc biệt của Mỹ tại Triều Tiên, đã không gặp người đồng cấp của mình kể từ khi nhận nhiệm vụ, mặc dù ông đã tới Bình Nhưỡng với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vào tháng 10.
Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn chưa công bố thời gian diễn ra cuộc họp song phương tiếp theo để thảo luận về kế hoạch tổ chức thượng đỉnh Trump-Kim. Tuy nhiên cơ quan này cho biết Mỹ-Triều vẫn giữ liên lạc.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với CNN rằng: “Các cuộc thảo luận đang diễn ra. Sẽ có nhiều thảo luận tiếp theo cho đến khi chúng tôi đạt được mục tiêu mong muốn. Không phải tất cả thông tin đều sẽ được công bố.”
Hà Nội, Bangkok và Hawaii
Hà Nội là một trong những địa điểm mà theo nhiều nguồn tin được phía Mỹ cân nhắc làm địa điểm tổ chức thượng đỉnh lần này. Ngoại trưởng Pompeo đã ví sự hàn gắn của Việt Nam – Mỹ sau Chiến tranh Việt Nam như một “phép màu” và gửi một thông điệp tích cực đến Triều Tiên nhằm thúc đẩy quá trình phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng. Ông Pompeo cho biết nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều lợi ích từ việc gia tăng giao thương với Mỹ, với mức tăng trưởng lên đến 8000% trong hai thập kỷ qua.
Ngoại trưởng Mỹ trong chuyến đi tới Hà Nội vào mùa hè năm ngoái nói: “Việc chúng tôi (Mỹ-Việt Nam) hợp tác chứ không chiến tranh là bằng chứng cho thấy khi một quốc gia quyết định tạo ra một tương lai tươi sáng hơn cho chính mình cùng với Mỹ, thì Mỹ luôn làm theo những gì đã hứa.”
Bên cạnh Hà Nội, Bangkok (Thái Lan) vẫn có thể là một điểm đến lý tưởng. Thái Lan có quan hệ ngoại giao với Triều Tiên. Điều đó giống với Singapore, nơi ông Trump và ông Kim gặp nhau vào tháng 6 năm ngoái. Bình Nhưỡng có thể sẽ cử người đến đại sứ quán tại thành phố này trước thời hạn để tiến hành lập kế hoạch.
Còn Hawaii thì ít có khả năng được Triều Tiên chấp thuận hơn. Joe Yun - cựu đại diện đặc biệt của Bộ Ngoại giao Mỹ tại Triều Tiên nhận định rằng: "Điều khiến Hawaii gặp khó khăn là không có đại sứ quán Triều Tiên ở đó. Ở Mỹ, New York có khả năng được chọn vì có một trụ sở của cơ quan ngoại giao Triều Tiên. Điều đó cũng tương tự ở các khu vực của châu Âu như Geneva và Stockholm.”
Triều Tiên cho biết họ muốn hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở Bình Nhưỡng nhưng rất khó có khả năng Mỹ đồng ý.