Chương trình liên kết du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL theo ba trục và 4 cụm du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Chương trình liên kết với năm nội dung: quản lý nhà nước về du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá xúc tiến, phát triển nguồn nhân lực và xúc tiến đầu tư phát triển du lịch.
Các địa phương trong liên kết cũng đã xác định xây dựng một tầm nhìn phát triển xa hơn trong xu hướng liên kết du lịch vùng, tăng thế mạnh đặc trưng, phát triển sản phẩm du lịch gắn với thế mạnh của các địa phương trong khu vực.
Tỉnh Sóc Trăng phát triển du lịch sông nước miệt vườn, du lịch cộng đồng tại Cồn Phong Nẫm (huyện Kế Sách).
Sở Du lịch TP.HCM đã thông tin về ba trục của chương trình liên kết 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Cụ thể:
Tuyến 1: Những nẻo đường phù sa, TP.HCM – Tiền Giang - Vĩnh Long - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau
Tuyến này phát triển sinh thái sông nước miệt vườn, ẩm thực khẩn hoang Nam Bộ, công trình di tích lịch sử - văn hóa, chợ nổi… phát triển tuyến kết nối với Côn Đảo từ Cần Thơ, Sóc Trăng.
Tuy vậy, hạ tầng phục vụ du lịch các cơ sở lưu trú gắn với thiên nhiên, khách sạn 4 sao trở lên, nhà hàng đạt chuẩn… còn thiếu. Điểm đến mới chưa được đầu tư phát triển, giá trị văn hóa bản địa chưa khai thác và kết nối trên tuyến.
Sản phẩm du lịch, dịch vụ về đêm còn thiếu, cơ sở ăn uống phục vụ thị trường chuyên biệt chưa đáp ứng.
Tuyến 2: Non nước hữu tình gồm TP.HCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh
Đây là tuyến kể về những câu chuyện văn hóa bản xứ giàu bản sắc; du lịch cộng đồng, homestay thân thiện; giá trị ẩm thực ven biển; những bãi biển có sức hấp dẫn, đặc biệt trải nghiệm văn hóa Kh’mer…
Cung đường nối Trà Vinh và Sóc Trăng còn hạn chế nên không thể kéo dài hành trình; thiếu thông tin về sản phẩm, dịch vụ trên tuyến đường biển liên vùng giữa các địa phương. Hiện tuyến này chưa có các tour đêm gắn với văn hóa Khmer.
Tuyến 3: Sắc màu vùng biên, TP.HCM – Long An – Đồng Tháp – An Giang – Kiên Giang.
Sản phẩm du lịch phát triển theo sinh thái vùng Đồng Tháp Mười kết hợp văn hóa vùng mậu biên; trải nghiệm các loại hình vận chuyển: thuyền, vỏ lãi, tắc ráng… Đặc biệt kết nối tuyến du lịch quốc tế bằng đến Campuchia bằng bộ từ các cửa khẩu đường bộ; tuyến đường sông liên vận từ TP.HCM đến Châu Đốc đến Campuchia…
Tuyến giao thông đường bộ chưa đáp ứng cho vận chuyển khách đoàn, thiếu dịch vụ lưu trú và ăn uống. Các hoạt động “giao thương mậu biên” chưa được khai thác, sản phẩm mới còn thiếu. Chi phí dịch vụ vẫn còn khá cao so với mặt bằng các địa phương khác.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, đánh giá: Chương trình liên kết giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL là một chương trình liên kết du lịch vùng triển khai trên phạm vi rộng lớn về quy mô lãnh thổ và về nội dung liên kết.
Từ đây, các địa phương cam kết sẽ không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường du lịch, xây dựng dịch vụ du lịch thông minh; đẩy mạnh liên kết trong việc kết nối hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến và quảng bá du lịch.
"Đặc biệt, địa phương chú trọng xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù, tạo ra sự gắn kết giữa các địa phương với mục tiêu phát triển du lịch bền vững. Liên kết phát triển sản phẩm du lịch giữa các địa phương theo hướng chuyên nghiệp hóa và tiếp cận chuỗi giá trị cung ứng dịch vụ du lịch từ số lượng sang chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm; nâng cao hiệu quả và tính chuyên nghiệp." - bà Hiếu nói.