Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án ly hôn và tranh chấp tài sản chung vợ chồng giữa nguyên đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo (46 tuổi) và bị đơn là ông Đặng Lê Nguyên Vũ (48 tuổi, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên) diễn ra trong suốt hai ngày 20 và
21-2. Phiên tòa đã kết thúc phần tranh luận và hiện đang tạm nghỉ.
Dự kiến chiều nay (25-2), đại diện VKSND TP.HCM sẽ phát biểu quan điểm giải quyết vụ án, sau đó tòa sẽ nghị án và tuyên án.
Tại sao tòa không xử kín?
Phiên tòa xử vụ ly hôn này đã và đang diễn ra công khai. Có ý kiến thắc mắc rằng tại sao tòa không xử kín mà phải xử công khai, để những chuyện tế nhị của gia đình họ bị phơi bày một cách không cần thiết?
Thực ra việc xử kín hay công khai đều phải tuân thủ quy định pháp luật, tòa không thể tự tiện muốn làm sao thì làm.
Theo khoản 2 Điều 15 BLTTDS 2015 thì “Tòa án xét xử công khai. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì tòa án có thể xét xử kín”.
Trong vụ ly hôn này, do đương sự hai bên đều không có yêu cầu xử kín để “giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình” nên theo Điều 15 BLTTDS 2015, tòa chỉ có thể xét xử công khai chứ không thể quyết định xử kín.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại tòa. Ảnh: CHUNG VƯƠNG
Cấp dưỡng nuôi con bằng cổ phần hay tiền?
Tại tòa, bà Thảo đề nghị được trực tiếp nuôi dưỡng bốn con chung. Về cấp dưỡng, bà cũng đề nghị ông Vũ cho cả bốn con, trong đó có người trên 18 tuổi.
Theo Điều 110 Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ), cha mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên… Ở đây bà Thảo yêu cầu cấp dưỡng cho cả người con trên 18 tuổi là không phù hợp. Tuy nhiên, do ông Vũ đồng ý cấp dưỡng luôn cho người con này nên tòa có thể ghi nhận sự tự nguyện này.
Về số tiền cấp dưỡng, bà Thảo đề nghị ông Vũ chi 20% cổ phần để hoán đổi tiền cấp dưỡng cho bốn con, để các con kế nghiệp sản nghiệp lâu dài của cha mẹ. Về việc này, ông Vũ trình bày ban đầu ông chỉ đồng ý cấp dưỡng 5% cổ tức/con nhưng bà Thảo cho rằng cổ tức liên quan đến lời lỗ của tập đoàn và việc điều chỉnh sổ sách kế toán nên ông Vũ đưa ra con số sẽ cấp dưỡng 10 tỉ đồng/năm/bốn con. Và tại phiên tòa, ông Vũ giữ nguyên ý kiến này.
Vấn đề đặt ra là việc đòi trợ cấp nuôi con tính theo cổ phần có được không? Theo TS Nguyễn Văn Tiến, giảng viên khoa Luật dân sự, ĐH Luật TP.HCM thì việc bà Thảo yêu cầu cấp dưỡng cho con bằng 5% cổ phần của ông Vũ sẽ gây khó khăn cho cơ quan thi hành án, bởi việc xác định giá trị rất phức tạp, rắc rối. Cấp dưỡng cho các con theo đề xuất của ông Vũ là hợp lý và rõ ràng nên nhiều khả năng tòa sẽ ghi nhận sự tự nguyện này.
Vấn đề nan giải: Chia tài sản
Khối tài sản tranh chấp gồm vàng, tiền mặt, ngoại tệ và vốn góp trong các công ty, ông Vũ đưa ra đề nghị tòa phân xử cho mình nhận 70%, còn 30% được chia cho bà Thảo. Về các bất động sản, ông Vũ đề nghị chia đôi.
Vợ chồng ông chủ cà phê Trung Nguyên xác định có tổng cộng 26 bất động sản. Tuy nhiên, cả hai thống nhất chỉ tranh chấp 13 bất động sản đã có đủ điều kiện pháp lý để tòa xử. Hiện ông Vũ đang nắm giữ sáu bất động sản trị giá khoảng 350 tỉ đồng; bà Thảo đang nắm giữ bảy bất động sản trị giá khoảng 375 tỉ đồng.
Ngoài ra, theo trình bày của ông Vũ tại tòa thì số tiền được xác định tại ngân hàng chỉ là bề nổi.
Tài sản hình thành trong hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng, thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng. Theo Luật HN&GĐ 2014, tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân.
Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Luật sư (LS) Nguyễn Văn Hồng, Đoàn LS TP.HCM, phân tích: Khi ly hôn thì tài sản chung của vợ chồng cơ bản là phải chia đôi, trừ khi có thỏa thuận khác. Của chồng công vợ, dù chồng đi ra ngoài kinh doanh thành đạt, vợ ở nhà nội trợ thì khi chia tài sản, đóng góp của vợ được coi ngang bằng đóng góp của chồng.
Việc chia tài sản chung của vợ chồng phải tính đến các yếu tố như: a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập; c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập và d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
Theo LS Hồng, nếu ông Vũ muốn được chia phần tài sản chung nhiều hơn bà Thảo thì ông Vũ phải chứng minh mình có công sức đóng góp nhiều hơn.
LS Nguyễn Hoàng Trung Hiếu, Đoàn LS TP.HCM, phân tích thêm: Để được chia phần hơn trong khối tài sản chung thì một bên phải có đóng góp nổi bật cho thấy công sức nhiều hơn rõ rệt và phân biệt được với công sức đóng góp của bên kia.
“Người vợ chỉ làm công việc nội trợ hoặc chăm sóc con cái cũng có thể được tòa án đánh giá có đóng góp tương xứng với công sức của người chồng đang làm chủ doanh nghiệp, cho dù quá trình hình thành, tầm nhìn, bước đi của doanh nghiệp đó không có hình bóng của người vợ phía “hậu phương”. Đó là nguyên tắc vận dụng trong giải quyết tranh chấp tài sản chung của vợ chồng, nghĩa là cần phải xét hoàn cảnh gia đình, xuất phát điểm tạo lập tài sản.” - LS Hiếu nhận xét.
Theo LS Hiếu, giả sử một doanh nghiệp do người chồng thành lập và có lợi nhuận trước thời điểm kết hôn; hoặc nếu một doanh nghiệp do người chồng thành lập, báo cáo tài chính khai lỗ trước thời điểm kết hôn nhưng lại có lãi trong thời kỳ hôn nhân thì tòa án có thể dựa vào các yếu tố rõ rệt đó để xem xét công sức đóng góp của vợ, chồng. Tuy vậy, điều này cũng còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố.
Khối tài sản khổng lồ Vợ chồng ông Vũ - bà Thảo là những doanh nhân nổi tiếng tạo thương hiệu cà phê Trung Nguyên và cà phê hòa tan Trung Nguyên (G7). Tại tòa, phía bị đơn cho biết Tập đoàn Trung Nguyên hoạt động trên nhiều lĩnh vực như kinh doanh cà phê, bán lẻ, nhượng quyền thương hiệu, du lịch và bất động sản. Trong đó, Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên (Trung Nguyên Group) có vốn điều lệ 1.500 tỉ đồng chi phối hầu hết doanh nghiệp còn lại. Ngoài ra, Tập đoàn Trung Nguyên còn có hệ thống nhà máy và dự án bất động sản có giá trị đầu tư khoảng 2.800 tỉ đồng. Tất cả cổ phần, dự án bất động sản, nhà máy của doanh nghiệp dựa trên kết quả thẩm định của công ty thẩm định tài sản do tòa trưng cầu có trị giá 5.654 tỉ đồng. Theo số liệu phía ông Vũ đưa ra thì tổng số tài sản chung bao gồm cổ phần, tiền mặt và bất động sản có tổng trị giá gần 8.400 tỉ đồng… 3 điều để lại cho con Tại tòa, ông Đặng Lê Nguyên Vũ nói ông muốn để lại cho con ba điều khi hôn nhân tan vỡ. Cụ thể, ông nói: “Có thể thời gian vật lý của ba dành cho con không nhiều nhưng lớn lên con sẽ thấy ba để lại cho các con ba điều. Thứ nhất, ba đặt cho các con một bệ phóng, một nền tảng để phát triển. Thứ hai, sống phải có chí lớn vượt thượng, vượt qua cả tầm tập đoàn này, có trách nhiệm với xã hội chứ không đơn thuần chỉ là buôn bán kiếm lời. Thứ ba, các con sẽ luôn luôn tự hào về người cha của mình”. |