353 kiến nghị khởi tố tội trốn đóng BHXH, chưa xử vụ nào

(PLO)- Mặc dù Hội đồng thẩm phán Tối cao đã ban hành nghị quyết hướng dẫn xử lý tội trốn đóng BHXH nhưng đến nay vẫn chưa có vụ việc nào được đưa ra truy tố, xét xử. Trong khi đó, cơ quan BHXH các cấp có 353 kiến nghị khởi tố về tội danh này.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 5, tổng số nợ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) là 24.576 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 5,6% số phải thu (tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021).

Hàng ngàn NLĐ bị ảnh hưởng vì chủ doanh nghiệp bỏ trốn

Ngành bảo hiểm cho biết các đơn vị nợ từ ba tháng tập trung chủ yếu tại doanh nghiệp tư nhân ở các tỉnh, thành có nhiều khu công nghiệp như TP Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Thanh Hóa.

Đáng chú ý, trong tổng số nợ BHXH, BHTN, BHYT có hơn 3.500 tỉ đồng là của các doanh nghiệp đã bị phá sản, giải thể, chủ là người nước ngoài đã trốn khỏi Việt Nam... không có khả năng trả nợ BHXH, BHTN, BHYT, ảnh hưởng quyền lợi của hơn 200.000 người lao động (NLĐ).

Người dân liên hệ cơ quan BHXH TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Người dân liên hệ cơ quan BHXH TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Các hành vi, thủ đoạn của doanh nghiệp dùng để trốn nợ là chuyển đổi hình thức ký hợp đồng lao động sang giao kết hợp đồng thuê khoán, hợp đồng miệng, đóng không đúng định mức lương, không nộp các khoản bảo hiểm cho cơ quan BHXH…

Theo BHXH Việt Nam, ngoài nguyên nhân khách quan là dịch COVID-19, cái chính là do ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, nhận thức của NLĐ còn hạn chế, tâm lý sợ mất việc làm dẫn đến không dám đấu tranh đòi quyền lợi hợp pháp. Ngoài ra, các quy định về chế tài xử lý đối với các đơn vị nợ, trốn BHXH, BHTN, BHYT đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật nhưng thực tiễn áp dụng còn một số bất cập, hiệu quả chưa cao.

Đã gỡ nhưng vẫn vướng

Trước tình trạng trên, thời gian qua cơ quan BHXH các cấp đã có 353 kiến nghị khởi tố về tội danh trốn đóng BHXH theo Điều 216 Bộ luật Hình sự. Trong tổng số 353 kiến nghị khởi tố, cơ quan CSĐT các cấp đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự 173 vụ; không thụ lý giải quyết 56 vụ; đang trong thời gian giải quyết 122 vụ và tạm đình chỉ giải quyết kiến nghị hai vụ.

Lý giải khó khăn trong việc đưa các vụ án trốn đóng BHXH ra xét xử, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang vừa có văn bản gửi Thủ tướng về vấn đề trên.

Theo đó Bộ Công an cho rằng Bộ luật Hình sự 2015 đã bổ sung tội trốn đóng BHXH, BHTN, BHYT. Yếu tố chủ quan của Điều 216 yêu cầu chủ thể tội phạm phải “gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác” để trốn đóng BHXH, BHTN, BHYT.

Bộ LĐ-TB&XH được đề xuất chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan báo cáo, đề xuất Chính phủ kiến nghị Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nghị quyết về xử lý nợ BHXH, BHTN, BHYT đối với các doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn.

Để gỡ vướng cho cách hiểu còn khác nhau trong tiếp nhận và xử lý tội danh trên, tháng 8-2019, Hội đồng thẩm phán Tối cao ban hành Nghị quyết 05 hướng dẫn áp dụng Điều 215 và Điều 216. Trong đó, xác định cụ thể hành vi gian dối. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng vướng mắc chủ yếu là việc xác định thủ đoạn khác và phân biệt với trường hợp chậm đóng BHXH vì lý do khách quan.

Cạnh đó, Điều 216 quy định dấu hiệu bắt buộc để xử lý hình sự với cá nhân là đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN mà còn vi phạm, trong khi đó tính đến thời điểm tháng 4-2022 cơ quan thanh tra các cấp mới có chín quyết định xử phạt hành chính đối với cá nhân người sử dụng lao động. “Vì lý do trên, đến nay chưa có vụ việc nào được đưa ra truy tố, xét xử…” - Bộ Công an lý giải.

Về khởi kiện dân sự, Bộ Công an cho rằng theo quy định tại các văn bản pháp luật hiện nay (Luật BHXH 2014 và Luật Công đoàn 2012), tổ chức công đoàn là đơn vị được trao quyền khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH. Tuy nhiên, luật lao động và Luật Tố tụng dân sự hiện có một số bất cập trong quy định về trình tự, thủ tục để tổ chức công đoàn khởi kiện.

Chẳng hạn như doanh nghiệp và NLĐ phải trải qua quá trình hòa giải, tranh chấp quyền lợi tại UBND cấp huyện; phải có ủy quyền của toàn bộ NLĐ... Đây là những quy định rất khó thực hiện trong thực tiễn áp dụng vì số lượng NLĐ ở các doanh nghiệp nợ BHXH, BHTN, BHYT là rất lớn. Từ năm 2016 đến nay, tổ chức công đoàn đã khởi kiện ra tòa án 2.985 vụ việc nợ BHXH, BHYT, BHTN nhưng chỉ có 128 hồ sơ được tòa án thụ lý (chiếm 4,28%).

Thừa nhận tình hình chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHTN, BHYT có diễn biến ngày càng phức tạp, Bộ Công an cho rằng nếu để tình trạng này kéo dài cùng với việc số lượng lớn NLĐ gần đây rút BHXH một lần sẽ gây hệ lụy tiêu cực rất lớn cho xã hội, đi ngược lại các mục tiêu trong chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

“Cạnh đó, các chế tài xử lý hành vi nợ, trốn đóng BHXH, BHTN, BHYT đã được quy định nhiều trong văn bản quy phạm pháp luật, tuy nhiên thực tiễn áp dụng còn nhiều bất cập, khó thực thi…” - Bộ Công an nhận định.

Từ thực tiễn này, Bộ Công an đề xuất Thủ tướng giao cho ngành công an chủ trì sửa đổi, bổ sung Nghị định 166/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Vì hiện nay nhiều vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm không được tổ chức, cá nhân vi phạm thực hiện.

Sẽ gỡ vướng từ điều khoản của Bộ luật Hình sự

Đối với vướng mắc của Bộ luật Hình sự, Bộ Công an sẽ trao đổi với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nghiên cứu, đánh giá những vướng mắc trong áp dụng Điều 216 về hành vi trốn đóng BHXH và khoản 1 Điều 14 Luật BHXH quy định quyền khởi kiện ra tòa án của tổ chức công đoàn đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, để có cơ sở báo cáo Quốc hội sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm