Mới đây, vụ cháy nhà xe ở kí túc xá Đại học Y Dược TP.HCM chính là một ví dụ đau lòng. Nhưng trẻ con nghịch ngợm, lại còn nhỏ, bố mẹ có thể dạy con không nghịch lửa đốt nhà bằng cách nào?
Trao đổi vớiPháp luật TP.HCM, Trung tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng pháp chế điều tra xử lý về cháy nổ (Cảnh sát PC&CC TP.HCM) chia sẻ cùng các bậc làm cha làm mẹ một vài kỹ năng cơ bản từ thực tế công việc và kinh nghiệm của bản thân.
Dạy con từ thực tế những vụ hỏa hoạn
Cháy nhà xe Đại học Y dược TP.HCM do trẻ nghịch lửa đốt
Trẻ em thường phản xạ theo bản năng, làm theo sở thích. Nghĩa là cứ thích, tò mò với điều gì thì trẻ sẽ làm điều đó. Tuy nhiên, chỉ cần cha mẹ chỉ dạy cho con ngay từ nhỏ, trẻ sẽ có ý thức và cẩn thận hơn.
“Bài học để trẻ dễ hình dung, ghi nhớ lời dạy nhất là ngay khi xảy ra một vụ hỏa hoạn. Lúc báo chí, ti vi đưa tin, cha mẹ hãy kể luôn cho con cùng nghe hoặc chỉ cho con cùng xem để trẻ ghi nhớ. Sau khi trẻ đã nghe, đã thấy về việc đó, cha mẹ chỉ vào những bức ảnh nói với con nhẹ nhàng: Con thấy không, mấy bạn nghịch lửa đốt nhà xe, không may lửa bén cháy luôn xe của các anh chị sinh viên, giờ các anh chị không có xe đi học. Con đừng bật diêm, nghịch lửa như các bạn con nhé…”, ông Hà minh họa.
Khi thấy trẻ giỡn chơi, xài hộp quẹt bật lửa đốt giấy, báo hay bật bếp gas… trong nhà, cha mẹ phải nhắc nhở ngay. “Con, hôm rồi có bạn đốt giấy mà đốt luôn nhà xe ở Đại học Y dược con ạ nên con đừng chơi vậy nữa nha!...”.
Không dạy con bằng cách cấm đoán
Những chiếc xe bị cháy trơ khung
Nhiều gia đình dạy con theo khuôn khổ, cứng nhắc, thấy con làm sai thì quát mắng, to tiếng, con không được làm thế này, con không được làm thế kia…Trung tá Lê Mạnh Hà cho biết việc cấm đoán là không nên, nhất là trong giai đoạn trẻ đang tò mò, khám phá. Những lời cấm đoán cứng nhắc sẽ phản tác dụng vì một khi trẻ đã tò mò mà bị cấm đoán, không làm được ở nhà thì trẻ cũng sẽ sang nhà bạn, lại … đốt nhà bạn.
Theo ông Hà, độ tuổi dạy trẻ thích hợp nhất về kiến thức phòng cháy chữa cháy là 9-10 tuổi, khi mà các bé đã bắt đầu biết bật hộp quẹt, sử dụng gas…
Ông Hà khẳng định, nói như vậy không có nghĩa là đến 9-10 tuổi mới dạy trẻ, bởi khi chập chững biết đi, khi bé học lớp 1,2… đã bắt đầu biết nhận thức, biết bắt chước người lớn.
Dạy con: Thấy cháy phải chạy
Xảy ra cháy gọi ngay 114
Với trẻ em, điều đầu tiên phụ huynh phải dạy bé là: Xảy ra cháy (ngửi thấy mùi khét, hoặc thấy lửa) là phải chạy ra ngoài.
“Bé nhà tôi đang học trường mẫu giáo Nam Sài Gòn, từ trước Tết bé đã được học những kiến thức về phòng cháy chữa cháy, cũng chỉ đơn giản là nhận biết: bình chữa cháy, khi có cháy nghe tiếng chuông báo động thì phải chạy ra ngoài, chạy theo các cô, chạy theo ba mẹ. Trường còn mời cả Cảnh sát PC&CC tới tuyên truyền cho các bé. Hôm Tết rồi, nhà nấu bánh chưng, bé con thích lắm nhưng thấy lửa là chỉ đứng đằng xa chứ không lại gần nghịch lửa”, ông Hà kể.
Những kỹ năng thoát hiểm khi nhà không may có hỏa hoạn cần phải dạy cho trẻ như: số điện thoại 114-gọi ngay khi nhà có hỏa hoạn, những lối thoát nạn trong nhà... Ngoài ra, gia đình có thể chơi trò chơi, kiểm tra lại kiến thức cho bé bằng những câu hỏi: "Nếu nhà mình xảy ra cháy, con gọi số nào? Con thoát ra bằng lối nào,...".
Dạy con từ chính thói quen của cha mẹ
Nhiều người lớn chỉ nghĩ rằng cháy ở đâu chứ sẽ không cháy ở nhà mình nên vẫn thờ ơ, không quan tâm cho đến khi xảy ra chuyện. Thậm chí quan niệm “tử thần gọi ai người dạ” vẫn ăn sâu trong tiềm thức nhiều người Việt. Và những vụ cháy do trẻ nghịch ngợm đốt diêm, đốt lửa… không may xảy ra để lại những hệ lụy đau lòng. Trong khi thực tế, ba mẹ có thể dạy con từ chính những thói quen hằng ngày của mình.
“Cha mẹ là tấm gương phản chiếu cho con, trẻ con hay bắt chước nếu cha mẹ cũng không quan tâm đến PCCC thì sao dạy con được. Không phải con lớn rồi mới dạy hay có chuyện xảy ra với gia đình mình rồi mới dạy mà đơn giản là dạy con từ chính những thói quen nhỏ của ba mẹ: đi ra khỏi nhà tắt đèn, tắt điện, ba hút thuốc xong không được vứt bừa bãi khắp nhà mà bỏ vào gạt tàn cho tắt hẳn… Trên đây là quan điểm của cá nhân tôi, mong giúp ích cho các bậc phụ huynh”, Trung tá Lê Mạnh Hà chia sẻ.
Ai đốt nhà sinh hoạt cộng đồng chung cư Imperia An Phú? Đã hai năm trôi qua, nhưng vụ cháy tại phòng sinh hoạt cộng đồng thuộc chung cư Imperia An Phú (quận 2) vào chiều 12-5-2015, Trung tá Lê Mạnh Hà và đồng đội vẫn còn nhớ mãi. Phòng sinh hoạt cộng đồng vốn là nơi tổ chức liên hoan, tiệc của cư dân ngụ tại chung cư. Nhưng thời điểm đó, căn phòng hoàn toàn không có người đăng kí tổ chức. Tổ khám nghiệm, điều tra đã kiểm tra ổ điện, dây diện trong phòng cũng không có dấu hiệu chạm chập. Vậy tại sao căn phòng bốc cháy? Chỉ khi trích xuất camera người ta mới dần vỡ lẽ. Hình ảnh từ camera ghi lại thấy rõ hai cậu nhóc ngoại quốc sống trong chung cư đã trèo qua cửa sổ vào phòng, ít phút sau thì xảy ra hỏa hoạn. Cha mẹ của hai bé đã nói chuyện để tìm hiểu ngọn ngành thì được biết hóa ra, vì buồn chán, hai bé trai đã rủ nhau trèo qua cửa sổ vào phòng sinh hoạt cộng đồng chơi. Để phòng tối, người khác không phát hiện được, hai bé còn cẩn thận kéo rèo kèm lại. Một bé mang theo lá khô, dây thun, đèn cầy và bật lửa gas vào phòng để đốt lửa chơi, nấu nướng…Không may ngọn lửa bén ghế sopha cạnh đó gây cháy lớn. Hai bé tá hỏa co giò chạy thoát theo lối cửa sau về nhà. |