Theo bà Edith Yeung, đối tác và trưởng nhánh Trung Quốc của Quỹ đầu tư mạo hiểm toàn cầu Venture 500 Startups, 4 “con hổ mới” lần lượt là các thành phố sau:
- Jakarta (Indonesia), nơi đặt trụ sở công ty công nghệ “đi xe chung” Go-Jek. Công ty này có dịch vụ ví điện tử Go-Pay vốn đang dẫn đầu thị phần thanh toán di động ở Indonesia, nơi mà tín dụng trực tuyến được dùng để mua hàng hóa, dịch vụ hoặc giao dịch với doanh nghiệp đối tác qua các nền tảng ứng dụng.
- Singapore, nơi công ty “đi xe chung” Grab đặt trụ sở. Grab vừa tung ra một loạt dịch vụ tài chính ở khắp vùng Đông Nam Á. Mảng này do nhánh Grab Tài chính đảm nhận, gồm kích hoạt một hệ thống thanh toán trực tuyến, cho phép người bán chấp nhận dịch vụ thanh toán kỹ thuật số GrabPay của Grab.
- Thâm Quyến (Hồng Kông thuộc Trung Quốc), nơi đặt trụ sở của dịch vụ thanh toán trực tuyến WeChatPay của công ty công nghệ Tencent.
- Hàng Châu (Trung Quốc), nơi đặt trụ sở của dịch vụ thanh toán Ali Pay của tập đoàn Alibaba. Công ty bán lẻ trực tuyến Lazada của Alibaba cũng đang tìm cách chào bán nhiều dịch vụ tài chính, nhằm chiếm ưu thế ở thị trường bán lẻ qua mạng đầy cạnh tranh ở khu vực Đông Nam Á.
Bà Yeung nói: “Tôi cho rằng 4 thành phố là một dạng 4 con hổ mới”, giống như “4 con hổ châu Á” gồm Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan (thuộc Trung Quốc) vốn có nền kinh tế phát triển nhanh hồi giữa thế kỷ 20.
Bà khẳng định thanh toán điện tử sẽ là “xương sống, là cơ sở hạ tầng cốt lõi” cho tương lai của các dịch vụ như thương mại điện tử, công nghệ game hoặc “đi xe chung”.
Để minh chứng quan điểm, bà Yeung dẫn trường hợp của các nền tảng thanh toán điện tử như WeChat Pay và Ali đã tận dụng công nghệ để tạo những thay đổi ở lĩnh vực tài chính: “Thẻ tín dụng UnionPay hoặc các thẻ của Ngân hàng Trung Quốc đã có từ lâu, nhưng WeChat Pay và Ali Pay không xuất thân từ các ngân hàng này. Vì vậy, tôi nghĩ tất cả các sáng tạo liên quan tài chính đang diễn ra, ngay bên dưới các ngân hàng này”.
Đó cũng là lý do 500 Startups (nhà đầu tư sớm nhất vào Grab) muốn vươn đến những biên giới của sự sáng tạo, tìm kiếm các công ty thuộc các lĩnh vực công nghệ “chuỗi khối” (blockchain) và công nghệ trí khôn nhân tạo (AI) “thật sự có giá trị cộng thêm”.
Bà Yeung nói: “Tôi thích các ý tưởng chuỗi khối và AI. Chúng đem lại niềm vui khi làm việc trên một dự án công nghệ, nhưng cùng lúc, tôi không muốn đầu tư vào một công ty chỉ vì người sáng lập hiểu biết về công nghệ thông tin hoặc chuỗi khối. Thực sự là phải tìm những công ty thật sự có giá trị cộng thêm, nắm vững tri thức để làm nên những điều tốt cho xã hội và thế giới”.