4 ngày, Kon Tum xảy ra gần 20 trận động đất, Trung ương chuẩn bị họp khẩn

(PLO)- Dự kiến ngày mai, 19-4, Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai sẽ tổ chức cuộc họp ứng phó với các tình huống có thể xảy ra do động đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết vào 14 giờ 19 phút chiều nay (18-4), một trận động đất có độ lớn 3.6 đã xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Trận động đất xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.727 độ vĩ Bắc, 108.442 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km.

Theo Viện Vật lý địa cầu, đây là trận động đất thứ 5 xảy ra trong ngày hôm nay tại khu vực này.

Các trận động đất xảy ra trong ngày trước đó lần lượt có độ lớn từ 2.9 đến 4.5.

Trận động đất có độ lớn 4.5 xảy ra vào trưa nay, 18-4 tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Viện Vật lý địa cầu

Trận động đất có độ lớn 4.5 xảy ra vào trưa nay, 18-4 tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Viện Vật lý địa cầu

Trong ngày 17-4, khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum xảy ra năm trận động đất liên tục, với các độ lớn từ 2.7 đến 3.0.

Ngày 16-4, khu vực này cũng xảy ra hai trận động đất. Ngày 15-4, xảy ra sáu trận động đất, cũng tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Tình trạng động đất tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã xảy ra một thời gian dài với các trận động đất nhỏ nhưng thời gian gần đây bắt đầu có xu thế gia tăng cả về tần suất và cường độ.

Trao đổi với PLO, PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu), cho biết đây là hiện tượng động đất kích thích, do hoạt động của con người gây ra, cụ thể là hoạt động của thủy điện.

"Hiện tượng này khá phổ biến. Khi thủy điện hoạt động thì phải thực hiện tích nước hồ chứa để vận hành phát điện. Nếu lòng hồ nằm trên khu vực có những đứt gãy, là những vết nứt trên vỏ rắn vỏ Trái Đất và vẫn có hoạt động lẻ tẻ thì sẽ gây ra động đất. Động đất kích thích không phải tự nhiên gây ra mà do những tác động dồn nén do con người gây ra do hoạt động thủy điện" - ông Phương nói.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, có nhà máy thủy điện tích nước xong sẽ gây ra động đất, cũng có những nhà máy thủy điện tích nước được một thời gian dài khoảng vài năm, đến khi địa chất phía dưới mất sự cân bằng thì mới nổ ra những trận động đất nhỏ lụp bụp.

"Từ xưa đến nay, tất cả những trận động đất kích thích đều không mạnh, không thể gây thiệt hại nặng nề về nhà cửa, con người. Hôm nay mới có một trận động đất lớn nhất với độ lớn 4.5. Hiện các nhà khoa học đã chú ý đến hiện tượng này và đang theo dõi, đã có những biện pháp khảo sát, đề phòng" - ông Phương cho hay.

Để chủ động ứng phó với các tình huống có thể xảy ra do động đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum, vào sáng mai, 19-4, Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai sẽ tổ chức cuộc họp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, các công ty quản lý hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh Kon Tum, đặc biệt là thủy điện Thượng Kon Tum.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm