4 thách thức phát triển công nghiệp ở TP.HCM

(PLO)- Định hướng phát triển công nghiệp của TP.HCM giai đoạn tới là tiếp tục nâng cao chất lượng sản xuất nhằm đáp ứng xu thế phát triển của thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 26-4, Sở Công Thương TP.HCM, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức hội thảo quốc tế “Định hướng phát triển công nghiệp trên địa bàn TP.HCM đến năm 2023 tầm nhìn 2050”.

Cần tạo quỹ đất công nghiệp cho TP

TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho biết công nghiệp vẫn là ngành kinh tế quan trọng của TP. Tuy nhiên, TP.HCM gặp bốn thách thức lớn trong phát triển lĩnh vực này.

Thứ nhất, tỉ trọng ngành công nghiệp trong GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) có xu hướng giảm và chững lại. Thứ hai, nếu so sánh trong vùng Đông Nam Bộ thì quy mô công nghiệp của TP đang dần mất vị trí đứng đầu. Thứ ba, tốc độ tăng về giá trị thặng dư của ngành công nghiệp thấp hơn tốc độ tăng GRDP của TP. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chiếm tỉ trọng ngày càng giảm trong cơ cấu tăng thêm của ngành công nghiệp của TP.

Công nghệ, máy móc là một trong những rào cản trong phát triển công nghiệp của TP.HCM giai đoạn hiện nay. Ảnh:TÚUYÊN

Công nghệ, máy móc là một trong những rào cản trong phát triển công nghiệp của TP.HCM
giai đoạn hiện nay. Ảnh:
UYÊN

“Thách thức cuối cùng là diện tích đất công nghiệp của TP khá hạn chế, thậm chí không còn nhiều khu đất “sạch”. Điều này đặt ra nhu cầu trong quy hoạch mới là tạo quỹ đất công nghiệp cho TP trong thời gian tới” - ông Vũ nói.

Đồng tình, ông Lê Việt Hà, đại diện Ban quản lý các khu chế xuất (KCX) và công nghiệp, cho biết: Các KCX và khu công nghiệp (KCN) về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu đặt ra về mục tiêu thu hút vốn đầu tư. Tuy nhiên, việc phát triển các KCN, KCX thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế, đó là hiệu quả đầu tư chưa cao về cơ cấu đầu tư, giá trị gia tăng của sản phẩm, hiệu quả sử dụng tài nguyên…

Đáng chú ý, hiện nay các doanh nghiệp (DN) đang “do dự” đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới máy móc, thiết bị do thời gian còn lại của KCX, KCN ngắn, chỉ còn hơn 20 năm. Bên cạnh đó, quỹ đất dành cho phát triển các KCN của TP được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng chỉ có 23 KCX, KCN với tổng diện tích 5.921 ha, đến nay vẫn không tăng.

TS Huỳnh Thanh Điền, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết 20 năm trở lại đây TP xây dựng các khu công nghệ cao, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài sản xuất, đặc biệt là linh kiện điện tử. “Đến nay phát triển công nghiệp của TP đang ở giai đoạn bão hòa. Do đó, TP phải định hình hướng đi mới, chu kỳ phát triển mới” - TS Điền nói.

Định vị là trung tâm phát triển công nghiệp toàn cầu

Theo TS Huỳnh Thanh Điền, TP cần quy hoạch lại mặt bằng phát triển công nghiệp. Cụ thể căn cứ thực trạng hiện nay, TP có các KCN gồm hai dạng là KCN hiện hữu gần nội thành và vùng ven. Đối với khu nội thành, TP cần chuyển đổi sang dịch vụ phụ trợ sản xuất phục vụ không chỉ cho TP mà các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đối với các KCN vùng ven, phải xây dựng KCN kiểu mới, ở đó có đầy đủ cơ sở hạ tầng phù hợp với DN sản xuất xanh.

Nếu TP tập trung sản xuất công nghiệp đơn thuần thì giai đoạn này đã qua, bây giờ TP tập trung vào lĩnh vực dịch vụ công nghiệp. Hơn nữa, TP cần định vị mình phải trở thành trung tâm phát triển công nghiệp của toàn cầu. “Do đó, tôi đề nghị TP.HCM không hy vọng quá nhiều khi tập trung phát triển các sản phẩm đầu cuối mà cần tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ, có sự kết nối với các địa phương” - TS Điền nhấn mạnh.

Ông Bùi Đào Thái Trường, Tổng giám đốc Roland Berger Việt Nam, Phó Tổng giám đốc khu vực Đông Nam Á, cho rằng quỹ đất công nghiệp của TP rất đắt đỏ. Do đó, TP nên tận dụng để phát triển các ngành công nghệ cao. Tập trung lựa chọn các ngành có hàm lượng kỹ thuật công nghệ cao để trở thành trung tâm dịch vụ hỗ trợ cho công nghiệp phát triển từ các trung tâm tài chính, trung tâm đổi mới sáng tạo. Như vậy, TP.HCM có thể tận dụng vị trí đầu tàu cả nước.

Tuy nhiên, để thực hiện được giải pháp trên, quan trọng nhất là nhân sự. TP cần nghiên cứu, phát triển về nhân sự bởi hiện nay Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang đứng phía sau nhiều nước về vấn đề nguồn nhân lực.

Trong khi đó, PGS Lại Quốc Đạt, Trường ĐH Bách khoa ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng TP nên ưu tiên cho ba ngành công nghiệp trọng yếu gồm cao su nhựa, cơ khí tự động hóa, chế biến lương thực, thực phẩm.

Giai đoạn này TP nên đầu tư công nghệ, phát triển các giải pháp công nghệ rồi chuyển giao cho các địa phương. Bên cạnh đó, đầu tư hạ tầng bảo quản và phân phối.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, nhìn nhận công nghiệp TP.HCM trong 50 năm qua luôn luôn đổi mới, tiếp cận với sự phát triển. Tuy nhiên, đến nay sản xuất công nghiệp của TP đã có công nghệ lạc hậu. Tình trạng này không chỉ ở cơ sở sản xuất tư nhân mà cả DN lớn đang tập trung sản xuất ở KCX, KCN.

“Cần có sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy, hành động của tất cả chúng ta, từ cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành trong cộng đồng DN và mỗi người dân TP. Cần xem đây là cuộc cách mạng mang tính đột phá cho TP trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp trong những năm sắp tới.

Định hướng của TP giai đoạn tới tiếp tục nâng cao chất lượng sản xuất công nghiệp đáp ứng xu thế phát triển thế giới. Đồng thời, xây dựng các nền công nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao… để tăng giá trị sản xuất mới. Từ đó, đóng góp lớn hơn cho sự tăng trưởng TP trong tương lai” - ông Hoan nhấn mạnh.

Cần tìm được các doanh nghiệp đầu tàu

Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp Bộ Công Thương, cho biết Bộ Công Thương đánh giá cao vai trò của TP.HCM và kỳ vọng TP là đầu tàu phát triển công nghiệp của cả nước, dù thời gian có sự dịch chuyển cơ cấu sang dịch vụ.

Ông Hoài đề nghị TP tiếp tục thực hiện chương phát triển công nghiệp hỗ trợ; chương trình kích cầu đầu tư. Tuy nhiên, khâu triển khai rất quan trọng nên Sở Công Thương có vai trò quan trọng, kết hợp sở, ban ngành, DN để triển khai mục tiêu đặt ra.

“Cần tìm được các DN đầu tàu và đặt hàng trên cơ sở dựa vào nhu cầu trong nước và quốc tế… để DN sẵn sàng đầu tư kèm hệ sinh thái KCN chuyên sâu” - ông Hoài nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm