Chị TNY (31 tuổi, ngụ quận 7, TP.HCM) mắc bệnh động kinh từ năm 15 tuổi. Mỗi tháng chị phải trải qua 4-6 cơn động kinh, có ngày bị 1-2 cơn, mỗi cơn kéo dài 5-7 phút nhưng cũng có lúc co giật cả tiếng đồng hồ khi đang ốm sốt.
Mặc dù có uống thuốc đều nhưng bệnh tình của chị không thuyên giảm. Do đó, suốt 16 năm qua chị không dám đi đâu xa chỉ ở nhà phụ bán hàng với chị gái.
Chị Y. tìm đến BV Nguyễn Tri Phương thăm khám và điều trị từ năm 2017. Sau khi được kiểm tra, đổi nhiều loại thuốc nhưng bệnh của chị vẫn không giảm, TS-BS Phạm Anh Tuấn, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, cho biết chị Y. bị động kinh kháng trị, tức không đáp ứng với điều trị bằng thuốc do xơ teo thùy thái dương vùng bên phải. Bệnh viện đã hội chẩn cùng các chuyên gia đến từ Pháp và Malaysia, quyết định phẫu thuật cắt ổ động kinh cho chị.
Người phụ nữ thoát khỏi bệnh động kinh sau bốn tiếng phẫu thuật. Ảnh: ĐH
Ngày 12-8, với sự hỗ trợ của hệ thống định vị não, các bác sĩ đã khoanh vùng chính xác khu vực thùy thái dương bên phải nơi phát sinh ổ động kinh và cắt toàn bộ khu vực này.
Ca phẫu thuật bốn tiếng đòi hỏi sự chính xác gần như tuyệt đối vì nếu cắt không hết, bệnh nhân vẫn tái phát động kinh. Nếu cắt nhiều quá, các vùng não lân cận sẽ bị ảnh hưởng, bệnh nhân dễ bị liệt, mất trí nhớ, tổn thương thị giác hoặc ngôn ngữ sau mổ. Hai tuần sau ca phẫu thuật, bệnh nhân không còn lên cơn động kinh và không có biến chứng nào sau mổ.
TS-BS Phạm Anh Tuấn cho biết phẫu thuật trong điều trị động kinh không phải là phương pháp nhưng ở Việt Nam rất ít nơi áp dụng được. Phương pháp này đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ và ăn ý giữa hai chuyên khoa nội và ngoại thần kinh từ theo dõi, hội chẩn đến kiểm tra sau mổ.
BS Tuấn nhận định động kinh có rất nhiều loại nhưng động kinh thái dương là loại dễ chữa khỏi nhất nếu được phát hiện sớm và chẩn đoán đúng. Tỉ lệ chữa khỏi loại động kinh này lên đến 60%-80%. Tùy từng loại động kinh và vùng não phát ổ động kinh mà các bác sĩ sẽ có chỉ định phẫu thuật phù hợp. Nếu vùng não xuất phát ổ động kinh nằm gần các vùng não có chức năng quan trọng như vận động, thị giác, ngôn ngữ… sẽ không thể phẫu thuật cắt được mà chỉ có thể phẫu thuật nhằm giảm nhẹ tần suất lên cơn động kinh.