Tối 4-8, báo chí, mạng xã hội đồng loạt đưa hình ảnh về chiến sĩ cảnh sát cơ động trên sân vận động Thiên Trường (Nam Định) hỗ trợ một bé trai bị co giật đi cấp cứu.
Điều đáng nói, một chiến sĩ đã chịu đau, đưa ngón tay vào miệng bé trai để bé cắn với mục đích ngăn bé cắn lưỡi. Hình ảnh này đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ cộng đồng mạng nhưng dưới góc nhìn của các y bác sĩ, cách làm này không đúng chuyên môn.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, BS Lê Công Thiên, Phó khoa Khám bệnh BV Nhi đồng 2 (TP.HCM), cho biết cách đưa ngón tay cho bệnh nhi sốt co giật cắn để ngăn cắn lưỡi là sai.
BS Thiên giải thích trong trường hợp sốt co giật, lưỡi bệnh nhi sẽ không lè ra mà tự động thụt vào bên trong nên không có chuyện bệnh nhi sẽ cắn lưỡi. Việc đút ngón tay hoặc vật cứng vào miệng bệnh nhi lúc này là vô ích mà lại có nguy cơ bị đứt tay, chảy máu, lây bệnh truyền nhiễm. Khi cơn co giật quá mạnh, trẻ cắn phải các vật cứng sẽ dễ bị gãy răng, đứt môi và nguy hiểm hơn dị vật lọt vào đường thở sẽ gây bít đường thở.
Chiến sĩ cảnh sát cơ động chịu đau đưa tay vào miệng ngăn bé cắn lưỡi. Ảnh: Sport5.vn
BS Thiên chỉ cách sơ cứu bệnh nhi trong trường hợp này là kiếm một mặt phẳng như trên giường, trên bàn, đặt trẻ nằm xuống, đưa mặt nghiêng qua một bên để nước dãi hoặc chất nôn chảy ra cho thông thoáng đường thở. Tuyệt đối không lấy tay cạy miệng bé để vắt chanh vào hay đặt các khúc que, gỗ vào miệng bé.
Sau đó, nếu có thuốc hạ sốt thì đặt vào hậu môn bé để giảm sốt hoặc dùng khăn ướt thấm nước (trong trường hợp gấp không có nước lau ấm thì dùng nước từ vòi nước máy sạch) lau các mạch máu lớn cho bé như hai bên vùng cổ, hai bên nách, hai bên bẹn để giảm sốt. Khi khăn nóng lên thì thay khăn khác.
Đối với những cơn sốt co giật lành tính thì thường sau 10-15 phút áp dụng những biện pháp trên, bé sẽ ổn định. Sau đó, nên đưa bé vào bệnh viện để theo dõi, kiểm tra xác định nguyên nhân.
BS Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi đồng (TP.HCM), bày tỏ: “Hình ảnh anh cảnh sát cơ động cắn răng chịu đau đưa ngón tay vào miệng của em bé bị co giật thật đẹp và ý nghĩa. Rất nể và yêu quý các anh nhưng nếu một ngày phụ huynh có con cháu co giật, xin mọi người đừng làm vậy vì sẽ không giúp được gì mà còn có thể gây hại cho các bé”.
Theo BS Tiến, trẻ sốt cao từ 39,5 đến 40 độ trở lên rất dễ dẫn đến sốt co giật. Sốt co giật thường xảy ra ở trẻ từ sáu tháng đến năm tuổi, nhiều nhất là ở trẻ 18-24 tháng. Khi lau mát, phụ huynh lưu ý không dùng nước đá để lau cho trẻ mà dùng nước ấm vừa tay.
Cũng theo BS Tiến, mỗi phụ huynh nên bỏ túi hướng dẫn dễ hiểu, ngắn gọn của BS Trương Hữu Khanh (bác sĩ nổi tiếng với fanpage tư vấn “Hỏi bác sĩ nhi đồng) sau đây:
Khi bị giật do sốt:
- Bình tĩnh nếu giật do sốt thì khó mà bị ảnh hưởng nhiều đến não.
- Nằm nghiêng mặt sang bên, nơi thông thoáng, cởi đồ ra.
- Nhét thuốc hạ sốt.
- Lau mát hạ sốt: Nước không nóng quá (sốt 39 mà lau nước 40 độ lại càng sốt thêm) trời không lạnh thì lau nước thường được rồi.
- Dùng khăn nhưng nước vắt nhẹ, còn đủ ướt chứ khô quá không hiệu quả.
- Nước đắp khăn hiệu quả là vùng nách, bẹn (vì vùng này có nhiều mạch máu), đắp, lau thấy khăn ấm lên là thay, lau đắp liên tục tới khi thuốc ngấm và hạ sốt.
- Không lau nước đá, không lau rượu, không cần nhúng bé vào thau nước, không dùng nước nóng quá.
- Không vắt chanh vào miệng.
Phòng ngừa trẻ sốt co giật:
- Trẻ đã từng một lần co giật do sốt có thể sẽ bị lại: Cần có cặp nhiệt và thuốc hạ sốt (nhét và uống) tại nhà khi nghi ngờ bé sốt cặp nhiệt, 38 độ là lo uống thuốc, lau mát khi chờ thuốc ngấm.
- Khi bé sắp/dọa co giật: Sốt run người, hoảng hốt cũng phải uống thuốc, lau mát chứ không sẽ giật.