Công an huyện Yên Phong (Bắc Ninh) đang làm rõ nội dung tố cáo của ông Trần Văn Sáu liên quan đến khoản tiền bồi thường oan, sai của cha mình là cụ Trần Văn Thêm (83 tuổi, người từng mang án oan giết người suốt hơn 40 năm).
Theo đơn tố cáo, ông Sáu cho rằng TAND Cấp cao tại Hà Nội bồi thường cho cụ Thêm 6,7 tỉ đồng nhưng khi cụ Thêm nhận tiền mang về đến nhà thì chỉ còn bốn sổ tiết kiệm với tổng trị giá 2 tỉ đồng và 100 triệu đồng tiền mặt. Ông Sáu cho rằng ông Nguyễn Văn Hòa (Phó Giám đốc Công ty Luật Hòa Lợi, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) và ông Trần Văn Được (cháu cụ Thêm) đã có sự không minh bạch trong việc sử dụng số tiền bồi thường oan của cha mình.
Bên nói tự nguyện chia 40%, bên bảo giữ làm từ thiện
Trao đổi với Pháp Luật tp.hcm, cụ Trần Văn Thêm cho biết quá trình minh oan, cụ có thỏa thuận với ông Nguyễn Văn Hòa sẽ chia 40% số tiền được bồi thường. Ngoài ra, cụ cũng cho ông Được một sổ tiết kiệm 500 triệu đồng và 400 triệu đồng tiền mặt, tổng cộng là 900 triệu đồng. Theo cụ Thêm, ngoài 40% đã chia, hiện ông Hòa còn giữ của cụ một sổ tiết kiệm 500 triệu đồng và 520 triệu đồng tiền mặt. Cụ mong muốn ông Hòa trả lại mình số tiền này.
Ngày 13-7, ông Nguyễn Văn Hòa thừa nhận với PV về việc được chia 40% trong tổng số 6,7 tỉ đồng của cụ Thêm nhưng khẳng định đây là tiền để “làm từ thiện”.
Cụ thể, ông Hòa cung cấp một giấy ủy quyền có chữ ký và điểm chỉ của cụ Thêm vào ngày 10-8-2016, nội dung thể hiện cụ Thêm tự nguyện ủy quyền cho ông Hòa được sử dụng 40% giá trị số tiền được bồi thường để làm từ thiện, giúp cho những người tàn tật có hoàn cảnh khó khăn và bị oan, sai như mình. 60% còn lại, ông Hòa sẽ đem về cho cụ và các con, kể cả trong trường hợp cụ qua đời.
Theo trình bày của ông Hòa, ngày 19-3-2018, ông Hòa mời cụ Thêm cùng ông Trần Văn Được đến Ngân hàng Agribank Bình Phú (Thạch Thất, Hà Nội) để rút toàn bộ 6,7 tỉ đồng. Lúc này, cụ Thêm lập sáu sổ tiết kiệm, mỗi sổ 500 triệu đồng. Tiếp đó, ba người mang tiền về văn phòng công chứng để xác nhận việc giao tiền.
Cùng ngày, cả ba quay lại Trường THPT Phan Huy Chú (nơi ông Hòa giữ chức chủ tịch HĐQT). Tại đây, cụ Thêm giao cho ông Hòa 2,7 tỉ đồng (tương đương 40%) như thỏa thuận trước đó, đồng thời cụ nhờ ông Hòa giữ hộ một sổ tiết kiệm 500 triệu đồng để “nếu phải nộp thuế thu nhập cá nhân thì dùng”. Cụ cũng cho ông Được 200 triệu đồng tiền mặt. Số tiền còn lại cùng năm sổ tiết kiệm, cụ Thêm và ông Được đi ô tô mang về nhà.
Ông Hòa nói hiện giờ chỉ còn giữ của cụ Thêm một sổ tiết kiệm 500 triệu đồng và sẽ trả lại cụ. Còn số tiền 520 triệu đồng trong số 60% của cụ Thêm, ông Hòa khẳng định không cầm mà có thể do cụ Thêm tính toán nhầm.
Sau 40 năm bị oan, cụ Trần Văn Thêm không ngờ chính số tiền bồi thường oan lại lôi mình vào sự phiền muộn khác. Ảnh: TUYẾN PHAN
Lời trình bày không thống nhất
Trước đó, ngày 8-7, trả lời PV, ông Hòa cho biết ông đã giao toàn bộ số tiền bồi thường oan cho cụ Thêm, gồm sáu sổ tiết kiệm (mỗi sổ trị giá 500 triệu đồng) cùng 3,7 tỉ đồng và cụ Thêm đã cầm về. Ông Hòa không đề cập gì đến cái tỉ lệ 40% mà ông hiện đang giữ, như ông vừa thừa nhận với PV ngày 13-7.
PV đặt câu hỏi tại sao ngay từ đầu ông không thừa nhận giữ 40% số tiền, ông Hòa giải thích do lúc ấy chưa tìm lại được giấy ủy quyền, chưa có chứng cứ nên chưa cung cấp thông tin. Trả lời việc 40% số tiền này sẽ được làm từ thiện như thế nào, đã từ thiện cho ai chưa…, ông Hòa nói cụ Thêm đã ủy quyền cho ông nên ông sẽ tự quyết định và có kế hoạch riêng.
Về phía ông Trần Văn Được, ông này xác nhận đã cùng cụ Thêm cầm năm sổ tiết kiệm và số tiền còn lại rời khỏi Trường THPT Phan Huy Chú. Trên đường về nhà, khi đến thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh), ông Được đưa cụ Thêm vào ngân hàng rút một sổ tiết kiệm 500 triệu đồng. Sau đó, cụ Thêm đưa cho ông Được 1,15 tỉ đồng, cộng với 200 triệu đồng đã nhận tại Trường THPT Phan Huy Chú, ông được cho tổng cộng 1,35 tỉ đồng.
Theo ông Được, sở dĩ cụ Thêm đưa cho ông số tiền trên vì trước đó cụ đã viết bản thỏa thuận (ngày 18-3-2018) rằng sẽ chia cho ông 20% số tiền bồi thường oan vì đã giúp đi minh oan.
Lời trình bày của ông Được có sự vênh với cụ Thêm khi một bên nói cho 900 triệu đồng, còn một bên bảo được cho 1,35 tỉ đồng. Điều này cũng khác với chính lời của ông Được trước đó khi nhiều lần nói rằng được cụ Thêm cho 900 triệu đồng. Giải thích về việc trên, ông Được khẳng định trình bày mới đây là đúng, việc số tiền vênh có thể do… cụ Thêm không nhớ.
Cụ Thêm chỉ giữ lại đúng 100 triệu đồng Ngỡ rằng việc được xin lỗi, bồi thường sẽ chấm dứt quãng thời gian hơn 40 năm mang thân phận kẻ giết người oan nhưng cụ Trần Văn Thêm không ngờ chính số tiền này lại lôi mình vào sự phiền muộn khác. Cho dù sự đời có lắt léo kiểu gì, việc cụ đồng ý chia 60% số tiền bồi thường oan cho hai người từng giúp mình trên hành trình minh oan rõ ràng có thể hiện trên giấy tờ. Cầm 40% còn lại về nhà, các con cụ phát hiện và bắt đầu tố cáo; trong số bị tố cáo, một người không ai khác chính là con cháu trong nhà. Ngồi nép mình trong góc giường, cụ ít nói, chỉ ngồi nghe, đôi mắt mờ vì tuổi già; chốc chốc cụ lại nheo mày về hướng cửa sổ. Bên cạnh, con gái lớn của cụ đang trình bày về số tiền mà cha mình được bồi thường với đầy sự bức xúc. Cụ bảo mấy hôm nay “đau đầu, suy nghĩ nhiều lắm”, chỉ mong sớm giải quyết xong để sống vui vẻ mấy năm cuối đời. Cụ nói ngày được xin lỗi công khai, mong muốn lớn nhất là sớm nhận được tiền bồi thường để có thể đi cám ơn mọi người. Bởi vậy, khi cầm tiền về, cụ vui lắm, cụ sẽ chia hết cho con cháu và những người mình từng mang ơn. Thế nhưng cuộc đời một lần nữa níu cụ vào chuyện khổ đau, rắc rối khi chính con cháu cụ và người cụ từng hàm ơn khi minh oan lại đang lùm xùm câu chuyện bạc tiền. Rồi cụ kể về một nỗi phiền lòng khác, đó là sau khi biết cụ được bồi thường, nhiều người dù trước đây không giúp gì nhưng cũng đến tận nhà để… kể công, hòng muốn cụ cám ơn chút tiền. “Nhưng tôi đều từ chối thẳng thừng”- cụ kể. Thực tế cụ mang về nhà được hơn 2 tỉ đồng, cụ dành gần như toàn bộ để phân chia cho các con. Hiện cụ chỉ giữ lại cho mình đúng 100 triệu đồng. Cụ gửi hết vào ngân hàng, hằng tháng lấy tiền lãi để chi tiêu cho bản thân mà thôi. PHÚC BÌNH |