Theo một báo cáo mới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), dù diện bao phủ an sinh xã hội trên toàn giới đã được mở rộng ở mức chưa từng có trong thời kỳ khủng hoảng COVID-19, nhưng vẫn còn 4,1 tỉ người trên thế giới hoàn toàn chưa được bảo vệ.
ILO nhận định việc ứng phó với đại dịch không đồng đều và không đầy đủ làm gia tăng khoảng cách giữa các nước có thu nhập cao và các nước có thu nhập thấp, không đủ khả năng đảm bảo an sinh xã hội cần thiết mà mọi người xứng đáng được hưởng.
An sinh xã hội bao gồm tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và an ninh thu nhập, đặc biệt là liên quan đến người cao tuổi, thất nghiệp, ốm đau, khuyết tật, thương tật khi lao động, thai sản hay trường hợp mất đi người kiếm thu nhập chính, cũng như đối với gia đình có trẻ em.
Cộng đồng chung tay hỗ trợ người khó khăn do dịch COVID-19, gạo và nhu yếu phẩm. Ảnh: PHONG ĐIỀN
Ông Guy Ryder, Tổng Giám đốc ILO, cho rằng đây là thời điểm then chốt để tận dụng những chính sách ứng phó đại dịch nhằm xây dựng các hệ thống an sinh xã hội thế hệ mới dựa trên quyền. Những hệ thống này có thể giúp giảm nhẹ tác động của các cuộc khủng hoảng trong tương lai, đem lại sự đảm bảo cho người lao động và các doanh nghiệp để họ có thể ứng phó với những sự chuyển đổi trước mắt.
“Chúng ta phải công nhận rằng an sinh xã hội hiệu quả và toàn diện không chỉ cần thiết cho công bằng xã hội và việc làm thỏa đáng mà còn để tạo lập một tương lai bền vững và có sức chống chịu”, Tổng Giám đốc ILO nhấn mạnh.
Báo cáo an sinh xã hội thế giới 2020-2022: Hệ thống an sinh xã hội trước ngã ba đường – vì một tương lai tốt đẹp hơn của ILO, chỉ ra hiện chỉ có 47% dân số toàn cầu được bảo vệ hiệu quả bởi ít nhất một loại hình trợ cấp an sinh xã hội, trong khi còn 4,1 tỉ người (53%) hoàn toàn không được đảm bảo an ninh thu nhập từ hệ thống an sinh xã hội quốc gia.
Châu Âu và Trung Á là nơi có tỉ lệ bao phủ cao nhất với 84% dân số được hưởng ít nhất một loại hình trợ cấp an sinh xã hội. Châu Mỹ cũng có tỉ lệ cao hơn mức trung bình toàn cầu, đạt 64,3%. Tỉ lệ này ở châu Á - Thái Bình Dương là 44%, ở các quốc gia Ả rập là 40%, ở châu Phi là 17,4%, cho thấy khoảng cách rõ rệt về phạm vi bao phủ.
Để ít nhất đảm bảo được an sinh xã hội cơ bản, mỗi năm các nước thu nhập thấp sẽ phải đầu tư thêm 77,9 tỉ USD, các nước có thu nhập trung bình thấp hơn sẽ phải đầu tư thêm 362,9 tỉ USD và các nước có thu nhập trung bình cao hơn phải đầu tư thêm 750,8 tỉ USD. Những con số này tương ứng với 15,9%, 5,1% và 3,1% GDP của các nước.