48 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng

(PLO)-  Sản xuất công nghiệp tuy có chuyển biến tích cực nhưng còn chậm và chưa phục hồi hoàn toàn so với cùng kỳ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 4-7, Bộ Công Thương có báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại tháng 6 và 6 tháng đầu năm.

Theo đó, luỹ kế 6 tháng, sản xuất công nghiệp đã phục hồi 98,8% so với cùng kỳ năm 2022. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng ước tính tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 6 tháng đầu năm, có 48 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.

Một số trung tâm công nghiệp lớn của cả nước đã khôi phục đà tăng trưởng công nghiệp như: Thái Nguyên tăng 4,1%; Quảng Ninh tăng 7,4%; Bắc Giang tăng 15,7%, Hải Phòng tăng 12,3%, TP. Hồ Chí Minh tăng 1,9%, Bình Dương tăng 2,6%; Đồng Nai tăng 3%.

Bộ Công Thương đánh giá, sản xuất công nghiệp tuy có chuyển biến tích cực nhưng còn chậm và chưa phục hồi hoàn toàn so với cùng kỳ khi chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp toàn ngành giảm 1,2%.

Sáu tháng đầu năm, nhiều ngành công nghiệp đối mặt với khó khăn do đơn hàng giảm, trong đó có dệt may. Ảnh minh hoạ.

Sáu tháng đầu năm, nhiều ngành công nghiệp đối mặt với khó khăn do đơn hàng giảm, trong đó có dệt may. Ảnh minh hoạ.

Đặc biệt như với một số ngành trọng điểm xuất khẩu, chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 7,7%; sản xuất giấy, sản phẩm từ giấy giảm 7,5%; sản xuất trang phục và sản xuất xe có động cơ cùng giảm 6,8%; sản xuất máy móc thiết bị chưa được phân nhóm giảm 4,7%; sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học cùng giảm 4,6%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực 6 tháng đầu năm 2023 giảm so với cùng kỳ năm trước như: điện thoại di động giảm 19,2%; ô tô và thép thanh, thép góc cùng giảm 18,2%; quần áo mặc thường giảm 7,1%; linh kiện điện thoại giảm 5,4%; vải dệt từ sợi tự nhiên giảm 4,3%; phân u rê giảm 4,1%; xi măng giảm 3,9%; xe máy giảm 3,5%.

Trong khi chỉ số số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2022 thì chỉ số tồn kho tăng 9,1% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 19,9% so với cùng thời điểm năm trước. Điều đó cho thấy những khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng và tiêu thụ sản phẩm.

Bộ Công Thương cho biết các doanh nghiệp còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao. Đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang ở trong bối cảnh rất khó khăn do thiếu đơn hàng, khả năng hấp thụ vốn đã bắt đầu giảm. Giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước.

Về xuất khẩu, là một trong những động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế nhưng tiếp tục gặp nhiều khó khăn khi kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm giảm 12,1% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường chủ lực đều giảm so với cùng kỳ năm trước, như: xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ giảm 22,6%, EU giảm 10,1%; Trung Quốc giảm 2,2%; Hàn Quốc giảm 10,2%; Nhật Bản giảm 3,3%; ASEAN giảm 8,7%...

Kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo đều giảm, trong đó có những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: hàng dệt may giảm 15,3%; giày dép các loại giảm 15,2%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 17,9%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 28,8%, phân bón các loại giảm 45,6%...

Một số ngành hàng xuất khẩu như thuỷ sản, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép, sản phẩm nhựa tiếp tục đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại đã tạo ra những khó khăn về thị trường xuất khẩu thời gian qua.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm