Đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Sau 4 lần lùi tiến độ, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông dự kiến khai thác thương mại vào cuối năm 2018.
Tuyến đường sắt dài 13km, đi trên cao từ ga Cát Linh (quận Đống Đa) đến ga Yên Nghĩa (Hà Đông) được khởi công từ năm 2011, dự kiến hoàn thành năm 2015. Dự án có tổng mức đầu tư 552 triệu USD vào năm 2008, trong đó vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam là 133 triệu USD.
Đến năm 2016, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 868 triệu USD, trong đó phần vốn vay Trung Quốc tăng thêm 250 triệu USD so với trước đây.
Nhiều đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông đã được chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam. Ảnh:Giang Huy. |
Quá trình triển khai, dự án đã nhiều lần phải lùi tiến độ do chậm giải phóng mặt bằng, thiếu vốn... Tổng thầu Trung Quốc đã đưa ra mốc mới nhất là chạy thử vào tháng 9/2018 và khai thác thương mại vào cuối năm nay.
"Tiền đã có, đường đã xong, thiết bị đang về nên không thể nói là vướng cái này, vướng cái kia, không có lý do gì chậm trễ thêm nữa. Dự án đường sắt Cát Linh đã trải qua ba đời bộ trưởng, phía Trung Quốc đã cam kết đẩy nhanh tiến độ. Bộ Giao thông đang tập trung cho dự án", Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông nói tại cuộc họp với Ban quản lý dự án đường sắt cuối năm 2017.
Sân bay quốc tế Vân Đồn
Cảng hàng không Vân Đồn (huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) là dự án đầu tiên được doanh nghiệp đầu tư cả nhà ga lẫn hạ tầng khu bay theo hình thức BOT.
Nhà ga hành khách được thiết kế 2 tầng, công suất 5 triệu hành khách mỗi năm; trong đó giai đoạn một đến 2020 là 2,5 triệu hành khách. Nhà ga hàng hóa đến 2020 đáp ứng 10.000 tấn mỗi năm.
Đường băng sân bay Vân Đồn đang được hoàn thiện. Ảnh:Minh Cương |
Quy hoạch khu bay được xây dựng một đường cất hạ cánh dài 3,6 km, rộng 45 m, đảm bảo khai thác máy bay Boeing B777 hoặc tương đương. Hệ thống sân đỗ máy bay giai đoạn đến năm 2020 đạt tối thiểu bốn vị trí đỗ máy bay; đến năm 2030 mở rộng sân đỗ đảm bảo đạt tối thiểu bảy vị trí đỗ máy bay.
Dự án có tổng vốn gần 7.500 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành quý II/2018 sau 3 năm xây dựng. Những ngày đầu năm 2018, sân bay luôn có khoảng 600 công nhân đang làm việc, để thực hiện theo đúng tiến độ đề ra.
Sân bay Vân Đồn hoàn thành sẽ trở thành đầu mối giao thông quốc tế kết nối và tạo động lực phát triển cho đặc khu kinh tế Vân Đồn.
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi
Tuyến đường dài 140 km đi qua Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi, là dự án cao tốc đầu tiên tại miền Trung. Đường được thiết kế theo tiêu chuẩn cao tốc loại A, 4 làn lưu thông và 2 làn dừng khẩn cấp. Dự án khởi công xây dựng vào năm 2013 với tổng mức đầu tư hơn 34.000 tỷ đồng.
Hiện 65 km cao tốc đầu tiên đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ đã được thông xe và đưa vào khai thác từ đầu tháng 8/2017. Dự kiến tuyến cao tốc này sẽ hoàn thành và thông xe toàn tuyến vào tháng 6/2018.
Một đoạn cao tốc Đà Nẵng - Quãng Ngãi đã đưa vào khai thác. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là một phần của tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, kết nối vận chuyển quốc tế trong khu vực tam giác kinh tế Việt Nam - Lào - Campuchia qua hành lang Đông Tây.
Hầm Cù Mông
Hầm Cù Mông dài 6,6 km nằm giữa tỉnh Bình Định và Phú Yên, đường dẫn được thiết kế theo tiêu chuẩn cấp 3, vận tốc thiết kế 80 km/h. Tổng mức đầu tư dự án gần 4.000 tỷ đồng.
Công trình quy mô tương tự hầm đèo Cả với hai ống hầm cách nhau 30 m, mỗi ống hầm rộng gần 10 m, bao gồm 2 làn ôtô, dải an toàn, đường bảo dưỡng hầm. Giai đoạn một sẽ hoàn thiện một ống hầm để khai thác 2 chiều, ống còn lại dùng làm hầm lánh nạn và hoàn thiện giai đoạn tiếp theo.
Phối cảnh hầm Cù Mông. |
Hiện hầm Cù Mông đã được đào thông, dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2018, vượt 3 tháng so với tiến độ được Bộ Giao thông phê duyệt. Tuyến đường hầm đi vào hoạt động được kỳ vọng giúp giảm tai nạn trên cung đường đèo Cù Mông trên quốc lộ 1 và thúc đẩy kinh tế xã hội khu vực tỉnh Bình Định, Phú Yên.
Cùng với hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông được hoàn thành sẽ mở cánh cửa giao thương, tạo sự liên kết vùng Nam Trung Bộ sâu và thiết thực hơn.
Cầu Vàm Cống
Cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu, nối giữa huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) và quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) thuộc Dự án kết nối trung tâm đồng bằng sông Cửu Long. Toàn tuyến cầu, đường dài 5,75 km (phần cầu 2,97 km), gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ; vận tốc thiết kế 80 km/h.
Dự án được đầu tư hơn 270 triệu USD (gần 5.700 tỷ đồng) từ nguồn vốn ODA của Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam; được khởi công 4 năm trước.
Cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu, nối huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) với quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ), mới được hợp long cuối tháng 9/2017. Ảnh:Cửu Long. |
Cầu Vàm Cống dự định thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2017, tuy nhiên đầu tháng 11 đơn vị thi công phát hiện dầm ngang trên đỉnh trụ T29 bị nứt. Bộ Giao thông đã mời các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá, tìm nguyên nhân xảy ra sự cố. Việc thông xe kỹ thuật phải lùi sang năm 2018 sau khi các vết nứt được xử lý.
Đây là cầu dây văng thứ hai bắc qua sông Hậu sau cầu Cần Thơ, cách cầu Cần Thơ khoảng 48 km về phía thượng lưu và bến phà Vàm Cống khoảng 3 km về phía hạ lưu. Công trình sẽ bổ sung tuyến kết nối từ quốc lộ 91 (phía TP Cần Thơ) tới tuyến đường tránh TP Long Xuyên (An Giang).