5 điểm check-in mùa vải chín Lục Ngạn, Bắc Giang

(PLO)- Mùa vải chín tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang kéo dài từ tháng 5 đến hết tháng 7, là một trong những thời điểm đẹp nhất năm của xứ vải.

Là người con của Bắc Giang, lớn lên cùng cây vải từ khi còn bé, chị Hoàng Thùy Dương (Dương Dương Blog, sinh năm 1991, quê Bắc Giang) gợi ý top năm điểm đến đẹp nhất khi đến Bắc Giang.

Theo chị, mùa vải chín tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang kéo dài từ tháng 5 đến hết tháng 7, là một trong những thời điểm đẹp nhất năm của xứ vải.

Chị Thùy Dương chia sẻ: “Đến nơi đây không chỉ lạc trong sắc đỏ khắp mọi nẻo đường mà còn được thưởng thức những trái vải chín mọng ngọt thơm và chìm đắm trong những thanh âm trong trẻo của núi rừng xanh mát, đầy thơ mộng.”

Hồ Cấm Sơn

Hồ Cấm Sơn nằm trên địa phận huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang). “Nếu Quảng Ninh có vịnh Hạ Long, Đăk Nông có hồ Tà Đùng thì Bắc Giang có hồ Cấm Sơn đẹp như tranh vẽ”- chị Thùy Dương cho hay.

Hồ Cấm Sơn nằm trên địa phận huyện Lục Ngạn.

Hồ Cấm Sơn nằm trong danh sách những hồ nước rộng lớn nhất khu vực phía Bắc với phong cảnh hữu tình và được bao bọc bởi núi rừng.

Ngoài ra theo chị Thùy Dương, hồ Cầm Sơn còn xinh đẹp bởi làn nước trong xanh, mặt hồ rộng lớn với nhiều đảo nhỏ trên đó. Hồ Cấm Sơn thật sự là nơi hấp dẫn mà bạn không thể bỏ qua khi đến Lục Ngạn.

Trải nghiệm nhiều hoạt động trên hồ Cầm Sơn.

Bạn có thể dành một ngày du thuyền trên hồ, khám phá các đảo vải giữa lòng hồ, đây có thể là trải nghiệm tuyệt nhất! Không chỉ ngắm cảnh đẹp núi hồ thơ mộng, yên bình mà còn được thưởng thức những trái vải chín mọng trồng ngay trên đảo.

Cầu Phao – hồ Cấm Sơn

Cây cầu này nằm trên mặt hồ Cấm Sơn, nối từ thôn Tam Chẽ sang thôn Đấp. Theo người dân địa phương kể lại, cây cầu được thiết kế và xây dựng bởi một anh “kỹ sư bản”.

Cầu Phao trên hồ Cấm Sơn khi hoàng hôn buông xuống.

Khi hoàng hôn buông xuống, bạn có thể đứng trên cầu ngắm nhìn ánh nắng chiều buông trên mặt hồ, chạy theo con sóng ánh lên màu vàng lấp lánh.

“Tôi có cảm giác như mình đang bước đi trong một thước phim quay chậm, trở về đoạn kí ức thanh xuân trong trẻo, mộng mơ”- chị Thùy Dương bày tỏ.

Hồ Bầu Tiên – xã Quý Sơn

Khu sinh thái Hồ Bầu Tiên là cái tên mới tinh xuất hiện trong bản đồ du lịch Bắc Giang.

Chia sẻ về điều đặc biệt ở nơi này, chị Thùy Dương nói: “Ở đây trái vải có màu đỏ hồng, hình trái tim rất dễ thương. Trải nghiệm hái vải đêm rất thú vị.”

Vườn vải Chiu Bền – xã Tân Sơn

Chị Thùy Dương ngỡ ngàng khi được tận mắt ngắm nhìn “Vương quốc vải thiều” của Lục Ngạn, Bắc Giang. Đó là hình ảnh của hàng nghìn cây vải màu “đỏ chấm bi” được trồng tầng tầng lớp lớp, bao quanh khắp bản làng, núi đồi.

Kể về trải nghiệm trên, chị Thùy Dương cho biết: "Thật sự lâu lắm rồi mình mới thấy những chùm vải sai trĩu quả “siêu to khổng lồ” như thế!"

Dưới ánh minh, vải chín đỏ rực rỡ, nổi bật trên nền lá xanh thẫm, bóng bẩy vô cùng đẹp mắt. Đây là vùng vải chín muộn ở Bắc Giang, mới vào vụ thu hoạch. Đồi vải sẽ còn đẹp đến hết tháng 7.

Một trải nghiệm chở vải của chị Thùy Dương.

Chợ Tân Sơn

Để có được những bức ảnh đắt giá tại khu chợ Tân Sơn, chị Thùy Dương đã phải dậy từ 3 giờ sáng.

Khu chợ Tân Sơn tấp nập người dân buôn bán vải.

Chị Thùy Dương cho biết, các bác nông dân hái vải đêm rồi chở ra chợ từ 5 giờ sáng. Mỗi bác chở 1 sọt vải 150-200 kg vải chờ thương lái mua, thuận mua vừa bán. Trong vòng 2-3 tiếng, con đường đỏ rực một màu vải chín.

Người nông dân chở từng sọt vải nặng hàng trăm ký ở chợ Tân Sơn.

Đến Lục Ngạn vào những ngày hè chói chang cuối tháng 6 đầu tháng 7, đông vui lắm nhưng cũng cảm nhận rõ được sự vất vả của người dân. “Cầm trái vải trên tay, mình càng thấy trân trọng hơn, bao công sức gieo trồng, chăm sóc của người nông dân mới được trái vải thơm ngon như vậy!”- chị Thùy Dương nói.

Cách di chuyển

Từ Hà Nội, bạn có thể đi qua cầu Thanh Trì và tiếp tục trên Quốc lộ 1A. Khi đến Bắc Giang đi đến thị trấn Chũ tỉnh Bắc Giang và tìm đến xã Sơn Hải. Ngoài ra, bạn có thể đi qua quốc lộ 31, tỉnh lộ 279 ở Chũ, tỉnh Bắc Giang.

Phương tiện: xe máy hoặc ô tô đều được vì đường khá đẹp, dễ đi. Đường đến hồ và chợ đa phần là đường nhựa, bê tông.

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới