5 huyện TP.HCM lên quận hoặc thành phố: Thu lại giá trị từ đất lên đến 21 tỉ USD

(PLO)- Theo Sở QH-KT TP.HCM, cơ hội đột phá sẽ đến ở khả năng thu lại giá trị gia tăng từ đầu tư hạ tầng, qua đó làm tăng giá trị đất ở 5 huyện ngoại thành TP.HCM khi lên quận hoặc TP.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sở QH-KT TP.HCM vừa có báo cáo gửi Sở Nội vụ TP về tiến độ thực hiện Đề án khoa học Định hướng phát triển hạ tầng đô thị các huyện ngoại thành TP.HCM. Đề án này là đề án nhánh thuộc đề án “Đầu tư - xây dựng các huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TP.HCM) giai đoạn 2021-2030.

Đầu tư hạ tầng lớn sẽ thu lại hàng ngàn tỉ

Theo báo cáo, đầu tư hạ tầng có khả năng thu lại giá trị gia tăng rất lớn từ đất. Mức giá trị gia tăng có thể đạt 528.000 tỉ đồng (21 tỉ USD) nếu phát triển hết quỹ đất được quy hoạch cho giai đoạn 2021-2030.

Sở QH-KT TP cho hay, tổng nguồn lực Nhà nước được phân bổ đầu tư hạ tầng cho các huyện ngoại thành (có dự báo phân bổ tăng thêm khoảng 8-10%) cho giai đoạn 2021-2030 dự kiến là 91.000 tỉ đồng.

Ngoài ra, các huyện cũng sẽ có cơ hội thu hút đầu tư tư nhân 110.000 tỉ đồng. Tổng cộng cả đầu tư Nhà nước và tư nhân sẽ vào khoảng 200.000 tỉ đồng. Trong đó, thu hút vốn tư nhân tập trung vào phát triển khu đô thị mới, còn vốn Nhà nước vào hạ tầng khung và cải tạo các khu vực hạ tầng cũ chưa hoàn chỉnh, đặc biệt là cho vấn đề thoát nước và chỉnh trang các khu ở thu nhập thấp.

Theo Sở QH-KT TP, dù thiếu dữ kiện về kinh tế nhưng đánh giá về mặt cơ hội khai thác, hiệu ứng lan tỏa cho thấy cần ưu tiên đầu tư hạ tầng chiến lược theo từng giai đoạn.

Việc khai thác hiệu quả khả năng kết nối nhanh từ các dự án hạ tầng chiến lược như đường cao tốc đi Mộc Bài, vành đai 3 và 4 trong giai đoạn trước 2030 và đường sắt đô thị tuyến số 2, số 3 là cơ sở để hình thành không gian lan tỏa theo các vành đai và hành lang. Cụ thể là vành đai cho Bình Chánh, Củ Chi, và Hóc Môn, quốc lộ 50 và kết nối cầu Thủ Thiêm 4, Bến Nghé cho Nhà Bè và khu Nam.

"Các khu vực là các không gian kề cận đường sắt theo mô hình TOD, không gian kề cận đường vành đai và các tuyến đường mới mở rộng xuyên tâm cùng với khu vực sẽ được bảo vệ bởi triều cường giai đoạn trước 2030 cần được đưa vào danh mục ưu tiên đầu tư trước năm 2030"- báo cáo kiến nghị.

lên quận hoặc TP.jpg
Nút giao thông Tân Kiên (điểm cuối của đường Võ Văn Kiệt giao cắt với quốc lộ 1 thuộc xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh. Ảnh: MINH TRÍ

Hạ tầng tại 5 huyện lên quận hoặc TP định hướng thế nào?

Với huyện Bình Chánh, Sở QH-KT TP cho biết để đạt tiêu chí hạ tầng của đô thị loại III, huyện có một số rào cản khá lớn về mặt đáp ứng tiêu chí mật độ đường giao thông/tổng diện tích đất xây dựng cùng với mật độ đường cống thoát nước chính còn thấp.

“Quy hoạch nên nhỏ gọn theo cụm, đặc biệt là các vùng đất yếu. Cần xem xét phát triển các điểm dân cư cơ bản theo mô hình cụm, nhóm nhỏ, với kiến trúc thấp tầng và không gian tổ chức dựa trên đặc thù sông nước. Các mô hình nhà vườn thấp tầng và mật độ xây dựng thấp, trong khi công trình cao tầng được bố trí theo nguyên tắc từ cao xuống thấp theo hướng từ sông, kênh, rạch vào bên trong”- báo cáo gợi ý cho huyện Bình Chánh.

Phát biểu trong buổi gặp gỡ báo chí tuần trước, ông Võ Đức Thanh, Chủ tịch huyện Bình Chánh, cho biết sắp tới nếu xây dựng Bình Chánh lên thành TP thì huyện phải lập quy hoạch đô thị và các quy hoạch đều phải tích hợp với việc Điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060 mà TP.HCM đang làm.

Huyện cũng đang có kế hoạch đầu tư nhiều công trình trọng điểm, đây là các công trình cũng nằm trong đề án “Đầu tư - xây dựng các huyện thành quận (hoặc TP thuộc TP.HCM). "Huyện cũng đang dựa vào thông tin từ Đề án nhánh thuộc đề án “Đầu tư - xây dựng các huyện thành quận (hoặc TP thuộc TP.HCM) giai đoạn 2021-2030 để có thể đầu tư đáp ứng được các chỉ tiêu đô thị từ đề án", ông Thanh thông tin thêm.

Về huyện Cần Giờ, các chỉ tiêu ở khu vực phát triển đô thị du lịch Nam Cần Giờ cần áp dụng tiêu chuẩn riêng của đô thị đặc biệt theo mô hình đô thị du lịch thông minh. Một số khu vực phát triển trong phạm vi phía Bắc và trung tâm Cần Giờ và Cần Thạnh theo mô hình đô thị sinh thái cần mạnh dạn áp dụng chỉ tiêu linh hoạt như quỹ đất dành cho giao thông phù hợp với mật độ dân cư và đi lại bằng phương tiện xanh, giao thông công cộng đạt tỉ trọng cao.

CANGIO4.jpg
Một góc huyện Cần Giờ.

Với định hướng tiến ra biển Đông, TP.HCM chắc chắn sẽ triển khai đầu tư các tuyến đường lớn từ nội thành xuống Cảng công nghiệp Hiệp Phước theo quy hoạch giúp tăng cường kết nối dọc xuống tới địa bàn huyện Cần Giờ.

Với huyện Củ Chi, cần khoanh vùng đô thị để áp dụng tiêu chuẩn linh hoạt và phù hợp với nguồn lực, tài nguyên sẵn có. Đây là giải pháp để cải thiện và nâng chất đô thị hóa vùng ven của huyện. Tại các khu vực có mật độ dân số tăng nhanh cần áp dụng cơ chế điều chỉnh đất đai để bổ sung nguồn lực cho cải thiện hạ tầng giao thông, thoát nước, và một số công trình công cộng khác.

P8+9-Bai1_viethoa_T3_huyenlenquan_H3.jpg
Khu vực phía Bắc của huyện được định hướng giữ gìn nông nghiệp và phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: NGUYỆT NHI

“Bảo tồn diện tích nông nghiệp đạt 70% và phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại các xã định hướng nông thôn mới. Huyện Củ Chi đóng vai trò là khu vực sản xuất nông nghiệp chính của TP.HCM, do quỹ đất nông nghiệp còn nhiều nếu so sánh với các huyện ngoại thành khác”, báo cáo đánh giá.

Vì vậy, khu vực phía Bắc của huyện được định hướng giữ gìn nông nghiệp và phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Các không gian mang tính chất nông thôn và cảnh quan tự nhiên (biên phía Đông - các xã Phú Hòa Đông, Trung An, Hòa Phú, Bình Mỹ) cần có chính sách bảo tồn.

Về huyện Hóc Môn, giải pháp bứt phá, hoàn thiện cơ sở hạ tầng của huyện Hóc Môn nằm ở việc đầu tư vào các dự án kết nối nhanh, trong đó, việc chuẩn bị để tạo cơ hội bứt phá cần phải gấp rút thực hiện trong giai đoạn trước năm 2030.

“Theo tính toán của nhóm nghiên cứu từ ảnh vệ tinh, đến năm 2030, theo quán tính, huyện có khả năng phát triển tới 59 km2 diện tích đất, chiếm gần 54% quỹ đất chung toàn huyện. Theo đó, cần bảo tồn diện tích nông nghiệp đạt 45% và phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại các xã định hướng nông thôn mới”, báo cáo nêu đề xuất.

Với huyện Nhà Bè, cần khoanh định các khu vực ưu tiên phát triển nhanh còn lại giúp lan tỏa giá trị từ khai thác năng lực của hệ thống vận tải công cộng sức chở lớn và kết nối nhanh (các khu vực TOD).

NHABE1.jpg

“Trong quá trình chuyển đổi Nhà Bè thành quận hoặc TP, cần giữ được sự cân bằng giữa phát triển đô thị và bảo vệ vùng nông thôn và nông nghiệp chẳng hạn như những khu vực trồng lúa, vườn cây trái và sông ngòi. Bên cạnh đó, cũng không thể bỏ quên bản sắc văn hóa và giá trị địa phương”, Sở QH-KT TP phân tích.

TP.HCM giữ nguyên đơn vị hành chính đến năm 2030

Phát biểu tại kỳ họp chuyên đề của HĐND TP khóa 10, sáng 22-6, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: Đến năm 2030 TP sẽ giữ 22 đơn vị hành chính như hiện nay gồm: TP Thủ Đức, 16 quận, 5 huyện. Như vậy đến năm 2030, chúng ta giữ các đơn vị hành chính như hiện nay và 5 huyện sẽ đạt đô thị loại 3, đến năm 2030-2040, các đơn vị hành chính này sẽ được tổ chức lại thành 5 vùng đô thị: vùng trung tâm, vùng Thủ Đức, khu Nam, khu Tây Bắc, khu Tây Nam.

Trong giai đoạn này (đến năm 2030), chúng ta cố gắng định hình rõ nét mô hình TP trong TP. Đối với 5 huyện, thực hiện đề án cơ sở hạ tầng kỹ thuật để 5 huyện này đạt được các tiêu chuẩn đô thị, có lên TP hay không, lên quận hay không, chúng ta sẽ tiếp tục tính toán nhưng phải đạt được ít nhất là đô thị loại 3.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm