5 kịch bản tương lai chiến sự Nga-Ukraine

(PLO)- Để trả lời cho câu hỏi khi nào xung đột Nga-Ukraine đi đến hồi kết, nhà báo James Landale đã vạch ra 5 kịch bản khả dĩ nhất đối với cuộc chiến tồi tệ nhất châu Âu kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Chiến sự Nga-Ukraine đã bước sang tháng thứ 4 và trọng tâm xung đột hiện đang nằm ở vùng phía đông của Ukraine. Trong những ngày qua, giằng co tại TP Severodonetsk, tỉnh Luhansk (Ukraine) vô cùng căng thẳng khi hai bên quyết tranh nhau từng con phố.

Để trả lời cho câu hỏi khi nào xung đột Nga-Ukraine đi đến hồi kết, ông James Landale - cây bút kỳ cựu của đài BBC - đã có bài bình luận trên trang báo này, vạch ra 5 kịch bản khả dĩ nhất đối với cuộc chiến tồi tệ nhất châu Âu kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Chiến tranh tiêu hao

Theo ông Landale, cuộc chiến có thể tiếp tục trong nhiều tháng, thậm chí trong nhiều năm khi các lực lượng Nga và Ukraine tiếp tục giao tranh ác liệt. Hai bên đều không chịu bỏ cuộc.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định rằng Moscow có thể giành thắng lợi bằng cách kiên trì với chiến lược này, đánh cược rằng các nước phương Tây sẽ dần mệt mỏi với Ukraine và tập trung nhiều hơn vào các cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước và mối đe dọa từ Trung Quốc.

Lực lượng thân Nga tấn công tên lửa nhằm vào các vị trí của Ukraine ở TP Yasynuvata, tỉnh Donetsk (Ukraine). Ảnh: GETTY IMAGES

Tuy nhiên, phương Tây lại cho thấy quyết tâm tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine. Trong khi đó, quân đội Kiev cũng nỗ lực kháng cự, không nhượng bộ. Điều này cho thấy xung đột giữa hai bên có thể sẽ trở thành một "cuộc chiến mãi mãi".

"Có rất ít triển vọng về một chiến thắng mang tính chiến lược cho bất kỳ bên nào trong ngắn hạn. Hai bên tham chiến đều không có dấu hiệu cho thấy sẽ tung đòn quyết định thay đổi cục diện" - ông Mick Ryan - tướng Úc về hưu kiêm học giả quân sự nhận định.

Nga tuyên bố ngừng bắn

Ông Landale nhận định rằng nhà lãnh đạo Nga có thể tuyên bố "chiến dịch quân sự đặc biệt" đã hoàn thành, theo đó, các thực thể ly khai ở Donbass được bảo vệ và một hành lang trên bộ kéo dài đến Crimea được thiết lập. Sau đó, ông có thể tuyên bố ngừng bắn, đẩy quả bóng ngừng chiến về sân Ukraine.

Ông Keir Giles - chuyên gia về Nga tại Viện nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House) - cho biết: “Đây là một chiến thuật mà Nga có thể sử dụng bất cứ lúc nào nếu Moscow muốn lợi dụng sức ép của châu Âu buộc Ukraine phải nhượng bộ và chấp nhận từ bỏ lãnh thổ để đổi lấy hòa bình”.

Sức ép này đã xuất hiện tại Pháp, Đức và Ý. Các nước này cho rằng không cần phải kéo dài chiến tranh hơn nữa, giờ đã đến lúc kết thúc nỗi đau kinh tế toàn cầu và hướng đến một thỏa thuận ngừng bắn.

Tuy nhiên, Mỹ, Anh và phần lớn các nước Đông Âu lại phản đối quan điểm trên. Các nước này tin rằng vì lợi ích của Kiev và trật tự quốc tế, Nga phải bị đánh bại trên chiến trường Ukraine.

“Vì vậy, một lệnh ngừng bắn đơn phương của Nga không thể kết thúc cuộc giao tranh” - ông Landale khẳng định.

Vòng xoáy bế tắc

Theo ông Landale, quân đội hai bên tham chiến đang dần kiệt quệ, nhân lực ngày một bị hao hụt, kho đạn dược ngày một vơi đi. Các hậu quả sau nhiều tháng giao tranh khốc liệt không ủng hộ cho việc tiếp tục giao tranh.

Nga chịu nhiều thiệt hại về kinh tế khi phương Tây liên tục tung đòn trừng phạt. Ukraine cũng không khá hơn là bao. Ngày 2-6 vừa qua, tại Diễn đàn An ninh Quốc tế GLOBSEC 2022 ở TP Bratislava (Slovakia), Thủ tướng Ukraine - ông Denys Shmyhal cho biết tổng thiệt hại kinh tế của Ukraine do chiến tranh gây ra đã lên tới 600 tỉ USD.

Theo ông Landale, người dân Ukraine hiện đã rất mệt mỏi vì chiến tranh, không muốn đánh đổi cuộc sống cho một chiến thắng khó nắm bắt. Theo đó, lúc này đây, cả Ukraine và Nga đều thừa nhận rằng họ không có thêm bất kỳ bước tiến nào và bắt đầu ngồi vào bàn đàm phán.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định rằng viễn cảnh đàm phán khó có khả năng xảy ra. Thậm chí cho dù hai bên thông qua một thỏa thuận hòa bình, tình trạng mất niềm tin lẫn nhau ngày càng sâu sắc có thể thỏa thuận này cũng khó khả năng duy trì được lâu và giao tranh có thể còn căng thẳng hơn.

Ukraine chiến thắng

"Ukraine chắc chắn sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến này" - Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky nói với kênh Dutch TV trong tuần này.

Điều gì sẽ xảy ra nếu Nga không giành được quyền kiểm soát toàn bộ Donbass và chịu nhiều tổn thất?

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây là một đòn giáng mạnh vào Moscow trong thời gian qua. Ukraine hiện đang tập trung vào việc phản công, sử dụng các tên lửa tầm xa mới để giành lại các vùng lãnh thổ Nga kiểm soát. Theo ông Landale, Kiev đang dần chuyển từ thế phòng ngự sang tấn công.

Kịch bản này khiến các nhà hoạch định chính sách lo lắng. Nếu ông Putin đối mặt với thất bại trên chiến trường Ukraine, nhiều lo ngại rằng ông có thể đi đến các hành động quyết liệt hơn nhằm leo thang căng thẳng, chẳng hạn như triển khai vũ khí hóa học hoặc vũ khí hạt nhân.

"Dường như ông Putin sẽ không chấp nhận một thất bại quân sự khi ông sở hữu trong tay vũ khí hạt nhân" - nhà sử học Niall Ferguson phát biểu trong một cuộc hội thảo tại trường Kings College (Anh) trong thời gian gần đây.

Nga chiến thắng

Các quan chức phương Tây nhấn mạnh rằng Nga vẫn có kế hoạch giành quyền kiểm soát thủ đô Kiev và phần lớn Ukraine dù gặp một số thất bại trong buổi đầu chiến dịch quân sự.

Theo ông Landale, sau khi kiểm soát thành công vùng Donbass miền đông Ukraine, Nga có thể sẽ triển khai lực lượng đến những nơi khác, thậm chí có thể nhắm vào Kiev một lần nữa.

Trong viễn cảnh này, Nga trở nên hoàn toàn chiếm ưu thế và phía Ukraine tiếp tục chịu thiệt hại. Tổng thống Zelensky gần đây đã thừa nhận rằng có tới 100 binh sĩ Ukraine tử trận và 500 lính bị thương mỗi ngày.

Người dân Ukraine có thể sẽ bị chia rẽ, một số muốn tiếp tục chiến đấu, số khác lại đòi hòa bình. Một số nước phương Tây dần trở nên mệt mỏi khi hỗ trợ Ukraine.

Tuy vậy, cũng trong viễn cảnh Nga thắng thế, một số nước phương Tây dường như không chấp nhận và sẽ tăng cường viện trợ cho Ukraine, khiến cuộc chiến leo thang hơn nữa. Chứng minh điều này, ông Landale cho biết một nhà ngoại giao phương Tây đã từng nói riêng với ông rằng phương Tây nên thử vũ khí hạt nhân ở Thái Bình Dương như một lời cảnh báo đối với Nga.

“Tương lai của cuộc chiến này vẫn chưa được định rõ” - ông Landale kết luận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới