5 nhóm vấn đề lớn cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Phá sản

(PLO)- Tạo cơ chế phục hồi kinh doanh, xây dựng thủ tục phá sản giản lược và tố tụng điện tử trong giải quyết các vụ án phá sản là những điểm mới trong đề xuất của TAND Tối cao sửa đổi Luật Phá sản.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

TAND Tối cao đang xây dựng Luật phá sản sửa đổi sau gần 9 năm thi hành Luật phá sản 2014.

Theo hồ sơ xây dựng dự luật, TAND Tối cao đã đề xuất sửa đổi 5 nhóm chính sách lớn gồm: Xây dựng, hoàn thiện thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX); Xây dựng thủ tục phục hồi giản lược, thủ tục phá sản giản lược đối với DN, HTX; Xây dựng thủ tục tố tụng điện tử giải quyết vụ việc phá sản; Hoàn thiện quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của quản tài viên, người tiến hành thủ tục phá sản, người tham gia thủ tục phá sản và hoàn thiện trình tự, thủ tục giải quyết vụ việc phá sản.

Xây dựng thủ tục tố tụng phá sản điện tử

Theo Luật phá sản 2014, sau khi được Hội nghị chủ nợ thông qua Nghị quyết có nội dung đề nghị áp dụng biện pháp phục hồi hoạt động kinh doanh thì DN, HTX phải xây dựng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên thực tế, khi thủ tục phục hồi kinh doanh được tiến hành trong thủ tục phá sản thì DN đã mất khả năng thanh toán nên phục hồi rất khó thành công.

luật phá sản
Luật phá sản 2014 hiện nay đã bộc lộ nhiều hạn chế nên TAND Tối cao đã đề xuất nhiều chính sách mới để khắc phục, hoàn thiện. Ảnh:PLO

Từ đó, cơ quan soạn thảo đề xuất sửa đổi xây dựng, hoàn thiện thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh theo hướng phù hợp, linh hoạt, độc lập với thủ tục phá sản. Xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù, phù hợp để khuyến khích DN, HTX nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phục hồi từ sớm trước khi lâm vào tình trạng trầm trọng.

Cạnh đó, việc xây dựng thủ tục tố tụng điện tử giải quyết vụ việc phá sản cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Toà án.

Theo đó, TAND Tối cao dành một mục mới trong dự thảo Luật sửa đổi để quy định về thủ tục phục hồi, phá sản điện tử.

Cụ thể, phiên họp hội nghị chủ nợ/phiên họp xem xét lại quyết định tuyên bố phá sản DN, HTX được tổ chức trực tuyến với điểm cầu trung tâm tại Toà án chuyên biệt phá sản còn điểm cầu thành phần là TAND cấp huyện, tỉnh nơi người tham gia phá sản có trụ sở, cư trú hoặc tại cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài trong trường hợp người tham gia phá sản ở nước ngoài...

TAND Tối cao còn đề xuất giản lược thủ tục giải quyết phá sản, thủ tục phục hồi đối với các DN, HTX vừa và nhỏ nếu đáp ứng đủ điều kiện như: DN, HTX có dưới 10 hoặc 20 chủ nợ không có bảo đảm hoặc có khoản nợ phải thanh toán dưới 10 tỉ đồng...

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của quản tài viên

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, hiện nay cả nước có hơn 300 quản tài viên (QTV) hành nghề với tư cách cá nhân; hơn 70 DN quản lý, thanh lý tài sản đang hoạt động.

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành cho thấy Tòa án là cơ quan trực tiếp chỉ định, giám sát hoạt động của QTV, DN quản lý, thanh lý tài sản. Trong khi đó, Bộ Tư pháp là cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề và thanh kiểm tra đối với QTV. Điều này gây ra sự thiếu thống nhất và khó khăn trong thực tiễn quản lý, giám sát hoạt động của QTV.

Từ đó, TAND Tối cao cho rằng cần sửa theo hướng hoàn thiện chế định QTV về điều kiện hành nghề, đào tạo bồi dưỡng, chỉ định, quyền, nghĩa vụ của QTV, quản lý, giám sát hoạt động QTV; mở rộng đối tượng có năng lực, kinh nghiệm phù hợp để trở thành QTV; quy định chặt chẽ điều kiện hành nghề QTV; bổ sung quyền và cơ chế hỗ trợ QTV trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ, quản lý tài sản; quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của QTV khi vi phạm, đặc biệt là bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp...

Ngoài ra, TAND Tối cao còn đề xuất sửa đổi nhiều vấn đề khác như: Thẩm quyền giải quyết của Toà án (sửa đổi lại thẩm quyền giải quyết của Toà trong các vụ án phá sản vì theo Luật tổ chức TAND 2024 đã có toà án nhân dân chuyên biệt phá sản); bổ sung quy định về hòa giải trong giải quyết phá sản DN, HTX...

9 năm Toà thụ lý 1.510 vụ việc phá sản

Tính từ ngày 1-1-2015 đến ngày 30-9-2023, các TAND đã thụ lý 1.510 vụ việc phá sản. Trong đó, tòa án đã ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với 554 vụ việc; trả lại đơn 66 vụ việc; ra quyết định không mở thủ tục phá sản đối với 234 vụ việc; ra quyết định tuyên bố DN, HTX phá sản đối với 150 vụ việc.

Số quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản đã bị đề nghị xem xét lại, kháng nghị là 12; số quyết định tuyên bố phá sản đã bị đề nghị xem xét lại là 14. Số vụ việc đã áp dụng thủ tục phục hồi kinh doanh là 6 vụ việc.

Còn theo thống kê của Bộ Tư pháp thì trong khoảng thời gian trên, các cơ quan Thi hành án dân sự đã thụ lý 324 vụ việc với số tiền phải thi hành là 2.198,8 tỉ đồng. Trong đó, có 202 vụ việc với 1.710,5 tỉ đồng có điều kiện để thi hành. Tỷ lệ thi hành xong là 31,68 vụ việc nhưng số tiền thi hành được chiếm 87,90%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm