5 quy định cán bộ, công chức, viên chức cần biết từ 1-1-2022

Từ 1-1-2022, nhiều quy định liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cần biết như mức lương cơ sở, lương tối thiểu vùng, tăng tuổi nghỉ hưu

Mức lương cơ sở vẫn là 1.490.000 đồng/tháng

Quốc hội đã quyết định lùi cải cách tiền lương với công chức, viên chức thay vì thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 01-7-2022 theo nội dung tại Nghị quyết 34/2021 của Quốc hội khóa XV về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.

Bên cạnh đó kể từ Nghị định 38/2019 thì đến nay vẫn chưa có thêm văn bản nào quy định về lương cơ sở. Do đó, từ 1-1-2022, mức lương cơ sở tiếp tục thực hiện theo Nghị định 38 và giữ mức 1.490.000 đồng/tháng.

Từ ngày 1-1-2022, mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vẫn là 1.490.000 đồng/tháng. Ảnh: HOÀNG GIANG

Mức lương tối thiểu vùng 2022

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, kể từ lần công bố mức lương tối thiểu vùng tại Nghị định 90/2019 đến nay vẫn chưa có sự thay đổi. Từ ngày 1-1-2022, mức lương tối thiểu vùng tiếp tục thực hiện theo Nghị định 90. Cụ thể:

Tăng tuổi nghỉ hưu từ 1-1-2022

Theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019, tuổi nghỉ hưu năm 2022 của người lao động sẽ tăng lên so với năm 2021.

Cụ thể, tuổi nghỉ hưu năm 2022 đối với lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 55 tuổi 8 tháng đối với nữ và đủ 60 tuổi 6 tháng đối với nam.

So với tuổi nghỉ hưu năm 2021 thì tuổi nghỉ hưu năm 2022 đã được điều chỉnh tăng thêm ba tháng đối với lao động nam và tăng thêm bốn tháng đối với lao động nữ.

Tương tự, tuổi nghỉ hưu của người lao động khi bị suy giảm khả năng lao động làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm… cũng tăng so với năm 2021.

Thay đổi tỉ lệ hưởng lương hưu với lao động nam

Khoản 2 Điều 56 Luật BHXH 2014 quy định từ ngày 1-1- 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội.

Cụ thể lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm. Như vậy, kể từ 1-1-2022, lao động nam đóng đủ 20 năm BHXH thì được hưởng 45% (người lao động nghỉ hưu năm 2021, đóng đủ 19 năm BHXH thì được 45%). Đây là điểm mới về tỉ lệ hưởng lương hưu với lao động nam kể từ năm 2022.

Còn đối với lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.

Tăng 7,4% lương hưu, trợ cấp BHXH với nhiều đối tượng

Ngày 7-12-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 108/2021 về việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng.

Theo đó, từ ngày 1-1-2022, điều chỉnh tăng thêm 7,4% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng của tháng 12-2021 với các đối tượng sau đây:

- Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động (kể cả người có thời gian tham gia BHXH tự nguyện, người nghỉ hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An chuyển sang theo Quyết định 41/2009 của Thủ tướng Chính phủ); quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng.

- Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định 92/2009, Nghị định 34/2019, Nghị định 121/2003 và Nghị định 09/1998.

- Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng theo quy định của pháp luật; người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 91/2000 và Quyết định 613/2010 của Thủ tướng; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 206-CP/1979 của Hội đồng Chính phủ.

- Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 130-CP/1975 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định 111/1981 của Hội đồng Bộ trưởng.

- Quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 142/2008 của Thủ tướng Chính phủ.

- Công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 53/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

- Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 62/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm