5 trường hợp không được trả tiền bảo hiểm theo luật mới

(PLO)- Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 có hiệu lực từ ngày 1-1-2023 bổ sung quy định về các trường hợp không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 16-6 với một nhiều nội dung đáng chú ý.

Theo Luật mới, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm trong năm trường hợp gồm:

Thứ nhất, người được bảo hiểm chết do tự tử trong thời hạn hai năm kể từ ngày nộp khoản phí bảo hiểm đầu tiên hoặc kể từ ngày hợp đồng bảo hiểm khôi phục hiệu lực.

Thứ hai, người được bảo hiểm chết do lỗi cố ý của bên mua bảo hiểm hoặc lỗi cố ý của người thụ hưởng.

Thứ ba, người được bảo hiểm bị thương tật vĩnh viễn do lỗi cố ý của chính bản thân người được bảo hiểm hoặc bên mua bảo hiểm hoặc người thụ hưởng.

Thứ tư, người được bảo hiểm chết do bị thi hành án tử hình.

Cuối cùng, luật cho phép các bên thỏa thuận các trường hợp không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm.

Trong đó, trường hợp một hoặc một số người thụ hưởng cố ý gây ra cái chết hay thương tật vĩnh viễn cho người được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải trả tiền bảo hiểm cho những người thụ hưởng khác theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

So với quy định hiện nay tại Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010) thì Luật mới đã bổ sung hai trường hợp không được trả tiền bảo hiểm gồm “người được bảo hiểm bị thương tật vĩnh viễn do lỗi cố ý của chính bản thân” và “trường hợp khác theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm".

Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 có nhiều điểm mới đáng chú ý so với quy định hiện nay. Ảnh minh họa

Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 có nhiều điểm mới đáng chú ý so với quy định hiện nay. Ảnh minh họa

Một trong những điểm thay đổi quan trọng khác của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, tác động đến hoạt động kinh doanh của các công ty bảo hiểm là về vốn. Thay vì quy định chung như trước đây, Luật mới quy định theo hướng phân loại rõ ràng từng loại vốn của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm trong quá trình hoạt động kinh doanh (Điều 94); bổ sung yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm phải luôn duy trì tỷ lệ an toàn vốn nhằm đảm bảo vốn tương ứng với quy mô và mức độ rủi ro của các nhóm rủi ro cơ bản (Điều 95).

Bên cạnh đó, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 cũng đã bổ sung quy định yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải thực hiện kiểm toán độc lập hàng năm đối với báo cáo tài chính năm. Đối với báo cáo tách nguồn vốn chủ sở hữu, nguồn phí bảo hiểm; báo cáo đánh giá khả năng thanh toán và quản trị rủi ro thì phải có xác nhận của tổ chức kiểm toán độc lập.

Luật cũng bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức kiểm toán độc lập như giải trình, cung cấp thông tin, số liệu liên quan đến hoạt động kiểm toán doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm trong trường hợp có yêu cầu của Bộ Tài chính; thông báo bằng văn bản cho Bộ Tài chính trong trường hợp phát hiện có sai phạm trọng yếu trong các báo cáo được kiểm toán, xác nhận do không tuân thủ pháp luật, có gian lận bảo hiểm, có giao dịch bất thường có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn tài chính hoặc quyền lợi của người tham gia bảo hiểm...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm