Mới đây, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, với 461/463 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.
Luật Tư pháp người chưa thành niên gồm 5 phần, 10 chương và 179 điều, có hiệu lực từ 1-1-2026; trừ quy định về việc áp dụng biện pháp giám sát điện tử và điều kiện cơ sở vật chất của trại giam riêng, phân trại hoặc khu giam giữ dành riêng cho người chưa thành niên là phạm nhân trong trại giam sẽ có hiệu lực thi hành từ 1-1-2028.
Theo Luật này, người chưa thành niên phạm tội là người phạm tội theo quy định của BLHS trong độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi. Người chưa thành niên là người bị buộc tội gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi. Người chưa thành niên là bị hại là người dưới 18 tuổi trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra.
Luật Tư pháp người chưa thành niên sẽ quy định về xử lý chuyển hướng, hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội; thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng; thi hành án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.
Như vậy, để được hưởng các chính sách đặc thù theo luật này, việc xác định tuổi của người phạm tội là vô cùng quan trọng.
Do đó, Luật Tư pháp người chưa thành niên đã dành 1 điều để quy định về nội dung này.
Cụ thể, việc xác định tuổi căn cứ vào một trong các giấy tờ, tài liệu gồm: Giấy chứng sinh, Giấy khai sinh, Chứng minh nhân dân, Thẻ căn cước công dân, Thẻ căn cước, Giấy chứng nhận căn cước, Hộ chiếu hoặc thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.
Trường hợp các giấy tờ, tài liệu hoặc thông tin trong các cơ sở dữ liệu nêu trên có mâu thuẫn, không rõ ràng hoặc không có giấy tờ, tài liệu, thông tin này thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải phối hợp với gia đình, người đại diện, người thân thích, nhà trường, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan nơi người đó học tập, lao động, sinh hoạt để xác minh, làm rõ mâu thuẫn hoặc tìm các giấy tờ, tài liệu khác có giá trị chứng minh về tuổi của họ.
Đáng chú ý, trường hợp đã áp dụng các biện pháp hợp pháp mà vẫn không xác định được chính xác thì ngày, tháng sinh được xác định như sau:
- Trường hợp xác định được tháng nhưng không xác định được ngày thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh.
- Trường hợp xác định được quý nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày, tháng sinh.
- Trường hợp xác định được nửa của năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong nửa năm đó làm ngày, tháng sinh.
- Trường hợp xác định được năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong năm đó làm ngày, tháng sinh.
Trường hợp không xác định được năm sinh thì phải tiến hành giám định để xác định tuổi.