Theo ông Huân, thông thường đầu năm xuất hiện nhiều cuộc tranh chấp, đây là vấn đề đang tiếc. Việc đình công thể hiện công tác đối thoại, thương lượng chưa tốt khiến việc áp dụng các chính sách điều chỉnh của Nhà nước đã xảy ra tranh chấp. Các cuộc tranh chấp chủ yếu liên quan tới vấn đề điều chỉnh lương tối thiểu năm 2016, việc thanh toán lương, thưởng của người lao động và việc thực hiện các chính sách của doanh nghiệp khi nâng lương, thanh toán phụ cấp, phúc lợi.
Cũng theo ông Huân, khi có phương án điều chỉnh lương, giải quyết phúc lợi, nếu người sử dụng lao động và người lao động có sự thỏa thuận thì các vướng mắc đó sẽ được giải quyết ổn thỏa. Khi đình công xảy ra, môi trường làm việc doanh nghiệp, người lao động đều bị ảnh hưởng.
Hàng ngàn công nhân Công ty Nissey tại TP.HCM đồng loạt ngưng việc phản ứng nhập nhằng giữa lương, phụ cấp. Ảnh: P.ĐIỀN
Ông Huân cho biết để giảm thiểu đình công, bộ cùng các cơ quan chức năng địa phương hỗ trợ để người lao động và người sử dụng lao động ngồi lại để thương lượng với nhau, lựa chọn phương án ổn thỏa, tạo điều để doanh nghiệp trở lại sản xuất và đảm bảo quyền lợi người lao động.
“Chúng tôi kỳ vọng phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Công nghiệp thương mại Việt Nam và các cơ quan chức năng ở các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các quy định của pháp luật. Đặc biệt là công tác xây dựng các phương án xây dựng điều chỉnh tiền lương, thực hiện phụ cấp, nâng bậc lương nhằm đảm bảo quyền lợi các bên… Tuy nhiên, trực tiếp vẫn là người sử dụng lao động và người lao động tại cơ sở phải hiểu biết chính sách đầy đủ. Tăng cường hỗ trợ trong đối thoại. Đây đang là điểm yếu trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp. Dẫn tới tình trạng có vấn đề vướng mắc hoặc không hài lòng với nhau thì người lao động tổ chức đình công, gây sức ép với doanh nghiệp” - ông Huân nói.