Ngày 24-11, Hội nghị Văn hóa toàn quốc long trọng diễn ra tại Hà Nội với hơn 600 đại biểu tham dự trực tiếp và kết nối trực tuyến với 63 tỉnh, thành. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có phát biểu chỉ đạo tại hội nghị quan trọng này.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: TTXVN
Nhận thức về văn hóa ngày càng sâu sắc
Theo Tổng bí thư, sau 75 năm chúng ta mới có Hội nghị Văn hóa toàn quốc quy mô lớn. Tổng bí thư đã đề cập về lĩnh vực văn hóa: Đây là một phạm trù rất rộng, có thể được hiểu dưới nhiều góc độ khác nhau với nhiều cách tiếp cận khác nhau, rất phong phú, đa dạng. Đến nay, trên thế giới có gần 200 định nghĩa khác nhau về văn hóa nhưng chung quy có thể hiểu theo hai nghĩa: Nghĩa rộng và nghĩa hẹp. “Văn hóa chúng ta bàn ở đây chủ yếu là theo nghĩa hẹp” - Tổng bí thư nói.
Theo Tổng bí thư, dù theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp thì khi đã nói đến văn hóa là nói đến những gì là tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ. Còn những gì xấu xa, việc làm ti tiện, đớn hèn, những hành động phi pháp, bỉ ổi... là vô văn hóa, phi văn hóa, phản văn hóa. “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”.
Tổng bí thư khái lược các văn bản quan trọng mà Đảng ban hành đều xác định: Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn coi trọng vai trò của văn hóa và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nhận thức của Đảng về văn hóa ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn.
Theo đó, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ. Nói sâu sắc, ngắn gọn như Bác Hồ là: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”!
Đảng khẳng định: Con người là chủ thể, giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới; phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu; bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn, là tiêu chí của phát triển bền vững; xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ làm tế bào lành mạnh, vững chắc của xã hội, thực hiện bình đẳng giới là một tiêu chí của tiến bộ, văn minh.
Nhận thức của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa trong thời kỳ đổi mới đã từng bước được bổ sung, phát triển và ngày càng hoàn thiện, toàn diện và sâu sắc hơn.
Còn những hạn chế cần khắc phục
Theo Tổng bí thư, trong 35 năm đổi mới, chúng ta có quyền tự hào về những đóng góp to lớn của nền văn hóa vào sự nghiệp cứu quốc và kiến quốc. Những thành tựu nổi bật cần khẳng định là nhận thức về văn hóa ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn thẳng vào những hạn chế, tồn tại, bất cập, yếu kém trên lĩnh vực văn hóa, tìm ra nguyên nhân và giải pháp để khắc phục.
Hạn chế, yếu kém nổi bật được nhắc lại nhiều lần lâu nay là văn hóa chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ tương xứng với kinh tế và chính trị; chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước.
Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí.
Môi trường văn hóa vẫn bị “ô nhiễm” bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực. Sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, các miền còn lớn. Nhiều di sản văn hóa quý báu của dân tộc có nguy cơ bị xuống cấp, mai một, thậm chí bị tiêu vong.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa còn lúng túng, chậm trễ, nhất là trong việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa. Chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển văn hóa trong thời kỳ mới.
Việc tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại còn hạn chế; nhiều khi bắt chước nước ngoài một cách nhố nhăng, phản cảm, không có chọn lọc (nói nặng ra là vô văn hóa, phản văn hóa).
Phương thức lãnh đạo và quản lý văn hóa chậm được đổi mới, chưa thích ứng kịp thời với sự vận động và phát triển văn hóa trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Công tác tổ chức và công tác cán bộ trên lĩnh vực văn hóa còn nhiều bất cập.
Từ việc chỉ ra các bất cập trên, Tổng bí thư đề ra sáu nhiệm vụ và bốn giải pháp để xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển” và “soi đường cho quốc dân đi” theo định hướng mà văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề cập.
Sáu nhiệm vụ, bốn giải pháp Tổng bí thư chỉ đạo cần tập trung thực hiện sáu nhiệm vụ. Một là, khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc. Hai là, xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc. Ba là, phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa. Bốn là, phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là nhân dân. Năm là, chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Sáu là, xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số. Bốn giải pháp gồm: - Tiếp tục nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa. - Xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới. - Quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. - Chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội... |
“Môi trường văn hóa “ô nhiễm” khá nghiêm trọng”
Hiện tượng “ô nhiễm” môi trường văn hóa không chỉ diễn ra ở các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp mà ngay cả một số không gian văn hóa vốn được coi là nơi nuôi dưỡng cho những giá trị tốt đẹp cũng có những dấu hiệu rạn vỡ.
Trong gia đình, đây đó do mâu thuẫn lợi ích cũng đã dẫn đến xung đột tan cửa, nát nhà. Những mối quan hệ rường cột như cha - con, anh - em, vợ - chồng cũng bị đồng tiền hoặc các tệ nạn xã hội làm cho lung lay. Sự xung đột giữa các thế hệ tuy không quá gay gắt như một số nước trên thế giới nhưng cũng ẩn chứa những sóng ngầm, mà nếu không sớm tìm biện pháp hóa giải thì sẽ dẫn đến nguy cơ đổ vỡ.
Sự phát triển của công nghệ, truyền thông đã làm thay đổi các hình thức liên kết xã hội truyền thống. Nhiều người rơi vào tình trạng cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình.
Môi trường học đường cũng xuất hiện nhiều tiêu cực đáng lo ngại. Văn hóa ứng xử giữa giáo viên - học sinh, giáo viên - phụ huynh, học sinh - học sinh có dấu hiệu lệch chuẩn. Nạn bạo lực học đường, hiện tượng chạy điểm, chạy trường... không những ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục, mà nguy hại hơn là ảnh hưởng đến đạo đức xã hội, đến nhân cách và niềm tin của thế hệ tương lai đất nước.
Môi trường văn hóa ở nhiều nơi bị “ô nhiễm” xuất phát từ nhiều nhân tố chủ quan và khách quan, nhất là những tác động của bối cảnh, tình hình phức tạp trong và ngoài nước, mặt trái của nền kinh tế thị trường, giao lưu hội nhập quốc tế. Cạnh đó là việc ban hành quy định, hướng dẫn về xây dựng môi trường văn hóa nói chung chưa đồng bộ, công tác kiểm tra, giám sát chưa nghiêm. Ngoài ra, một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến phát triển văn hóa chung, xây dựng môi trường văn hóa nói riêng. Chính vì thế, các phong trào, chương trình, kế hoạch hoạt động văn hóa diễn ra còn mang tính hình thức, thời vụ. Các nguồn lực đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng với vị thế của văn hóa.
Ông LƯƠNG ĐỨC THẮNG, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VH-TT&DL