6 tháng đầu năm xuất khẩu cà phê sang Hàn Quốc đạt 49,16 triệu USD

(PLO)- Theo Tổng Cục hải quan, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 2.563 USD/ tấn, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm 2021.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vào ngày 28-7 Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải, các Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, các Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hàng Châu, Trùng Khánh (Trung Quốc) tổ chức phiên tư vấn xuất khẩu cà phê sang thị trường Trung Quốc.

Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được nghe chia sẻ một số thông tin về tình hình thị trường, xu hướng và nhu cầu tiêu dùng cà phê; các vấn đề liên quan tới quy định nhập khẩu, yêu cầu đối với việc nhập khẩu cà phê từ Việt Nam.

Thời gian qua, nhu cầu tiêu thụ cà phê của Trung Quốc có xu hướng tiếp tục tăng, đặc biệt là ở các khu vực thành phố phát triển. Tại thị trường này, cà phê hòa tan đang chiếm thị phần lớn nhờ sự tiện lợi trong việc sử dụng.

Thị trường Trung Quốc chuộng cà phê hòa tan. Ảnh minh họa

Thị trường Trung Quốc chuộng cà phê hòa tan. Ảnh minh họa

Theo Hiệp hội Cà phê Trung Quốc (CCAB), tiêu thụ cà phê tại Trung Quốc đang tăng với tốc độ trung bình 15%/năm. Các thị trường cung cấp cà phê chính cho Trung Quốc là Guatemala, Ethiopia, Việt Nam, Malaysia, Brazil…

Trong khi đó, hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho biết, xuất khẩu cà phê sang Trung Quốc năm 2020 đạt trên 95,6 triệu USD; năm 2021 đạt trên 128,4 triệu USD và bốn tháng đầu năm 2022 đạt trên 44,2 triệu USD.

Đáng chú ý, từ năm 2018 đến nay, Trung Quốc luôn là thị truờng tiêu thụ nhiều cà phê của Việt Nam. Nếu năm 2018, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cà phê lớn thứ 12 của Việt Nam đến năm 2019 vươn lên vị trí thứ 10; năm 2020 xếp thứ 9 và năm 2021 xếp thứ 8.

Theo Cục Xúc tiến thương mại, để gia tăng thị phần tại Trung Quốc, ngành cà phê Việt Nam cần tích cực đổi mới mẫu mã, bao bì sản phẩm và nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Tương tự, theo Bộ Công Thương, Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu cà phê lớn thứ 13 của Việt Nam. Sáu tháng đầu năm 2022, lượng cà phê xuất khẩu Việt Nam sang Hàn Quốc đạt trung bình 3,2 ngàn tấn/tháng, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021.

Về trị giá, xuất khẩu cà phê sang Hàn Quốc trong nửa đầu năm 2022 đạt bình quân 8,2 triệu USD/tháng, cao hơn so với 6,53 triệu USD/tháng cùng kỳ năm 2021.

Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê Việt Nam sang Hàn Quốc đạt xấp xỉ 19,2 ngàn tấn, trị giá 49,16 triệu USD, giảm 7,9% về lượng nhưng tăng 25,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 2.563 USD/ tấn, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Bộ Công Thương những ngày giữa tháng 7 giá cà phê thế giới tiếp tục xuống thấp do đồng USD tăng mạnh so với các đồng tiền khác.

Trên sàn giao dịch London, ngày 18-7, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 9 còn 1.923 USD/tấn, giảm 1,1% so với ngày 8-7. Kỳ hạn giao tháng 11-2022, tháng 1-2023 cùng giảm xuống còn 1.924 USD/tấn và 1.919 USD/tấn, giảm 1,2% so với ngày 8-7.

Tại cảng khu vực TP.HCM, cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức giá 1.978 USD/ tấn, chênh lệch +55 USD/tấn, giảm 21 USD/ tấn (giảm 1,0%) so với ngày 8-7.

Xu hướng giá cà phê giảm được dự báo sẽ diễn ra trong thời gian tới. Tuy nhiên, tốc độ giảm giá sẽ chậm lại do thời tiết không thuận lợi và thiếu hụt nhân công ở Braxin.

Trái ngược với diễn biến giá cà phê Robusta thế giới, giá cà phê tại thị trường nội địa tăng trở lại. Ngày 18-7, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa tăng 100 đồng/kg so với ngày 8-7 lên mức cao nhất 41.500 đồng/kg tại tỉnh Đắk Lắk; mức thấp nhất là 41.000 đồng/kg tỉnh Lâm Đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm