600 ‘con tàu ma’ dạt vào bờ biển Nhật, có bàn tay Trung Quốc?

Tình trạng những chiếc thuyền gỗ chở đầy xác thủy thủ hay còn được gọi là những “con tàu ma” dạt vào bờ biển Nhật Bản xảy ra thường xuyên nhiều năm nay.

Những “con tàu ma” chở xác người Triều Tiên

Tuy nhiên thời gian gần đây sự việc đã trở thành một nỗi ám ảnh rùng rợn: Có đến hơn 600 “con tàu ma” dạng này dạt vào bờ biển Nhật trong năm năm qua, và chỉ trong năm ngoái là 150 tàu. Một số bị gãy đôi. Một số còn nguyên vẹn nhưng trống không. Một số chở nhiều xác chết. Một số thì có người sống nhưng kiên quyết giữ im lặng. Tất cả rõ ràng đều là người Triều Tiên, theo thông tin từ trang tin news.com.au (Úc).

Một thân "con tàu ma" gãy đôi dạt vào bờ biển Nhật. Ảnh: THE SUN

Nguyên nhân chính xác của tình trạng này vẫn là điều bí ẩn. Giờ xuất hiện một giả thuyết mới về điều gì đã xảy ra ngoài biển với những con tàu này.

Nhà chức trách Nhật nhận định rằng các ngư dân đã di chuyển tàu đi quá xa và trong thời gian quá lâu để đánh bắt cá trong tình trạng tài nguyên cá ngày càng hiếm, rồi không đủ sức quay về. Một giả thuyết nữa phía Nhật đưa ra là các ngư dân này là những người chủ ý đào thoát khỏi Triều Tiên.

Tuy nhiên giờ đài NBC News và trường đại học nghiên cứu Wollongong (Úc) đưa ra thông tin liên quan sâu xa hơn đến nguyên nhân khiến liên tục có những “con tàu ma” chở xác ngư dân Triều Tiên dạt vào bờ biển Nhật.

Một tàu đánh bắt mực của Triều Tiên. Ảnh: THE SUN

Thông tin nói về sự hiện diện của một “hạm đội tàu cá đen” quy mô lớn và bí ẩn hoạt động ở các vùng biển Triều Tiên. “Hạm đội đen” này liên quan trực tiếp đến Trung Quốc.

“Hạm đội tàu cá đen” của Trung Quốc

Một nghiên cứu có tựa đề Soi sáng các hạm đội tàu cá đen công bố trên tạp chí Science Advances tuần này cung cấp thông tin một “hạm đội đen” – đội tàu cá che giấu nhận dạng của mình và tắt hệ thống định vị - hoạt động ở biển Nhật Bản.

Giống Biển Đông, biển Nhật Bản cũng là một vùng biển tranh chấp giữa Nhật, Triều Tiên, Hàn Quốc và Nga. Điều này gây khó cho việc kiểm tra, giữ an ninh ở khu vực vì dễ vướng rủi ro ngoại giao.

Nhưng giờ với công nghệ hiện đại thì việc di chuyển và nhận dạng của “hạm đội đen” đã được phát hiện.

“Bằng việc tổng hợp dữ liệu từ nhiều vệ tinh cảm ứng, chúng tôi đã có một bức tranh rõ ràng và chưa có tiền lệ về hoạt động đánh bắt cá ở một khu vực nổi tiếng về bất ổn” – theo ông Jaeyoon Park, đồng tác giả nghiên cứu.

“Quy mô của hạm đội liên quan đến hoạt động đánh bắt cá trái phép này tương đương khoảng 1/3 số lượng toàn bộ hạm đội tàu cá đánh bắt xa bờ của Trung Quốc. Đây là trường hợp đánh bắt cá trái phép lớn nhất từng được biết do đội thuyền xuất phát từ một nước hoạt động trong vùng biển nước khác” – theo ông Park.

Các tàu cá này được phát hiện rời đi từ các cảng Trung Quốc và đi qua eo biển Triều Tiên (nối biển Hoa Đông, Hoàng Hải và biển Nhật Bản), có hoạt động trong vùng biển Triều Tiên.

Từ trên xuống: Tàu cá Trung Quốc, tàu chiếu sáng Trung Quốc, tàu cá Triều Tiên. Ảnh: East Sea Fisheries Management Service, South Korea / Seung-Ho Lee

Theo GS Quentin Hanich, quy mô khổng lồ của hoạt động trái phép này cho thấy có sự thách thức lớn với việc quản lý nghề cá và vấn đề địa chính trị khu vực.

NBC News cho biết các phóng viên đi tàu đến hiện trường và đã ghi hình 10 trong số các tàu cá Trung Quốc hoạt động trái phép đi vào vùng biển Triều Tiên. Tuy nhiên nhóm phóng viên đã bị buộc phải rời để tránh nguy cơ va chạm sau khi một trong số các tàu cá Trung Quốc bất ngờ chuyển hướng tàu lao thẳng về hướng thuyền mình.

Theo NBS News, các tàu mực Trung Quốc bị phát hiện vào buổi đêm và ở vị trí cách bờ 160 km. Các tàu này di chuyển với hệ thống định vị đã được tắt, và đã không đáp lại các câu hỏi trên sóng radio.

Tàu cá Triều Tiên bị tàu cá Trung Quốc chiếm ngư trường?

NBC News nói rằng các tàu cá của Trung Quốc đang xâm nhập vùng biển Triều Tiên vốn “nổi tiếng hung hăng và thường có vũ trang”.

Theo lời nhà nghiên cứu Jung-sam Lee nói NBC News, sự cạnh tranh từ các tàu cá Trung Quốc khả năng đã khiến các tàu cá Triều Tiên phải đổi nơi đánh bắt, buộc phải đi sang các vùng biển của nước Nga láng giềng.

Một tàu mực Triều Tiên hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Nga gần bờ biển Triều Tiên. Ảnh:Seung-ho Lee / GLOBAL FISHING WATCH / AFP

Nói cách khác, các ngư dân Trung Quốc khiến các ngư dân Triều Tiên sợ phải bỏ ngư trường. Các tàu cá Triều Tiên đã cố gắng tiếp cận các vùng biển Nhật. Chỉ riêng trong năm 2017 phía Nhật đã can thiệp tới cả 2.000 tàu cá Triều Tiên. Nhật cũng cho biết đã phát hiện tới hơn 800 tàu cá Trung Quốc đánh bắt ở vùng biển Triều Tiên trong năm 2019.

Điều này có nghĩa các ngư dân Triều Tiên đã bị buộc phải tiến ra các vùng biển xa hơn nhiều so với trước đây, và rồi nhiều khi các hải trình này đã vượt quá khả năng của những con tàu gỗ đơn giản. Điều này liên quan trực tiếp đến việc đã có hàng loạt “còn tàu ma” trôi dạt vào bờ biển Nhật.

“Nhiều làng cá ở bờ biển phía đông Triều Tiên giờ trở thành những ngôi làng góa phụ” – các nhà nghiên cứu viết trong bài báo đăng trên Science Advances.

Trong nghiên cứu Soi sáng các hạm đội tàu cá đen, các nhà nghiên cứu cho biết khi trong vùng biển Triều Tiên các tàu cá Trung Quốc không hề có dấu hiệu để tâm đến khái niệm đánh bắt cá mang tính bền vững.

Vây cá mập trên tàu cá Long Xing 629 của Trung Quốc. Ảnh: Environmental Justice Foundation/ MONGABAY

“Hạm đội đen” này được cho đã thu tới 160.000 tấn mực từ khu vực chỉ trong một mùa đánh bắt năm 2018. Và điều này dẫn tới nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Lượng mực ống đánh bắt được ở các vùng biển Hàn Quốc và Nhật đã giảm hơn 80% kể từ năm 2003. Loại mực này là một trong năm loại hải sản được chuộng hàng đầu ở Nhật. Loại mực này cũng là nguồn lợi đại dương quan trọng nhất của Hàn Quốc. Đây cũng là nguyên liệu chính trong bữa ăn của người dân ở các khu vực ven biển Triều Tiên.

Nguy cơ trên Biển Đông

Biển Nhật Bản không phải là nơi duy nhất “hạm đội tàu cá đen” của Trung Quốc bị phát hiện. Một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) năm 2019 cũng phát hiện có “hạm đội tàu cá đen” ở Biển Đông.

Báo cáo của CSIS còn nêu ra một điều đáng ngại hơn. Đó là rất nhiều trong số tàu cá này không thực hiện công việc đánh bắt cá, mà công việc chính là thể hiện sự kiểm soát các vùng biển mình hiện diện.

Trung Quốc luôn nói mình không biết gì về nguồn gốc hay hoạt động của “hạm đội đen” này. Nhưng các nhà phân tích quốc tế nhận ra sự mâu thuẫn. Các hạm đội tàu cá Trung Quốc được kiểm soát rất chặt. Các tàu này được lập thành các lực lượng dân quân và được chính phủ Trung Quốc kiểm soát. Các tàu này được yêu cầu phải phối hợp chặt và nhịp nhàng với lực lượng hải quân Trung Quốc.

“Có đầy đủ bằng chứng về các hoạt động của lực lượng dân quân này, họ tham gia tuần tra, giám sát, cung ứng, và thực hiện các chiến dịch khác để mở rộng sự hiện diện của Trung Quốc ở các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Bắc Kinh không che giấu sự hiện diện của lực lượng này. Một số thành viên được huấn luyện tốt và trang bị tốt tham gia vào các hoạt động bán quân sự công khai như quấy rối tàu các nước khác” – theo báo cáo của CSIS.

Đội tàu đánh bắt mực của Trung Quốc hoạt động gần vùng biển gần đảo Ulleungdo của Hàn Quốc hồi tháng 9-2016. Ảnh: THE OUTLAW OCEAN PROJECT / KYODO

Các tàu cá không làm công việc đánh bắt cá này thường tập trung quanh các bãi đá ngầm tranh chấp và tại các ngư trường tranh chấp. Sự hiện diện của lực lượng này khiến các tàu cá không phải của Trung Quốc phải rời đi.

Các sự cố va chạm gần đây ở Biển Đông cho thấy tình trạng này ngày càng trở nên đáng ngại. Báo cáo của CSIS lo ngại nguy cơ xung đột từ “hạm đội tàu cá đen” không kém gì từ các lực lượng vũ trang trong khu vực.

Mỹ đã lên tiếng

Năm ngoái Mỹ tuyên bố mình đã biết về thực trạng hạm đội tàu cá của Trung Quốc được sử dụng để kiểm soát yêu sách lãnh hải nước này. Đô đốc John Richards – Tư lệnh Hải quân Mỹ lúc đó cảnh báo rằng nên xem các tàu cá này như một phần phụ trợ của hải quân Trung Quốc vì bản chất quân sự trong huấn luyện và hoạt động của chúng.

Trong trường hợp có xung đột, lực lượng dân quân hàng hải có thể dùng tới các chiến thuật cưỡng ép như đâm các tàu khác để buộc kẻ địch phải thối lui, trong khi đó lực lượng quân đội Trung Quốc đợi ở xa hơn sẽ chạy tới hiện trường và “dạy cho kẻ địch một bài học”, theo lời cảnh báo của GS James Kraska tại trường đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ.

GS Kraska thừa nhận thế khó của các nước vì nếu không đối đầu với lực lượng dân quân tàu cá này đồng nghĩa với việc bình thường hóa sự hiện diện của Trung Quốc cũng như sự xâm lấn của nước này vào các vùng lãnh hải và cả vùng đặc quyền kinh tế của các nước.

Điểm lại một số sự việc nghiêm trọng tàu cá Trung Quốc gây ra với các nước

Năm 2009, một đoàn tàu đánh cá đã bao vây và quấy rối tàu thăm dò USS Impeccable của Mỹ.

Năm 2016, một xuồng máy bảo vệ bờ biển Hàn Quốc bị đâm chìm trong khi đang cố đuổi môt nhóm tàu cá Trung Quốc ra khỏi lãnh hải.

Một đêm tháng 6 năm ngoái, một tàu cá Philippines bị một tàu cá Trung Quốc đâm chìm ở vùng biển bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa (của Việt Nam), các ngư dân trên tàu Philippines bị bỏ lại lênh đênh trên biển. May mắn các ngư dân này đã được tàu cá Việt Nam vớt cứu kịp thời.

Tháng 4 năm nay, một tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Việt Nam tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép). Một sự cố tương tự cũng xảy ra hồi tháng tư.

Bắc Kinh ngày càng quyết liệt trong việc tuyên bố chủ quyền đơn phương ở gần như toàn bộ biển Hoa Đông và Biển Đông. Tuyên bố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc còn chồng lấn cả vùng biển của Indonesia. Đầu năm nay Trung Quốc đưa một số lượng lớn tàu cá lẫn tàu bảo vệ bờ biển hộ tống đến xâm nhập đánh bắt ở vùng biển quần đảo Natuna của Indonesia.

600 ‘con tàu ma’ dạt vào bờ biển Nhật, có bàn tay Trung Quốc? ảnh 7
Tàu chiến KRI Imam Bonjol-363 của Indonesia (trái) bắt một thuyền cá Trung Quốc (phải) ở vùng biển quần đảo Natuna ngày 21-6-2016. Ảnh: AFP / INDONESIAN NAVY

Có thể thấy rõ Trung Quốc đã và đang lờ đi sự bất mãn từ quốc tế.

Năm 2016, Tòa trọng tài về luật biển xác định các tàu Trung Quốc đã phong tỏa trái phép các tàu cá Philippines hoạt động đánh bắt ở các ngư trường truyền thống của mình ở bãi cạn Scarborough.

Tòa trọng tài cũng cáo buộc phía Trung Quốc dùng các phương thức đánh bắt mang tính hủy diệt phá hủy môi trường sống của loài sò đặc trưng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng như các khu vực san hô ngầm. Nhiều khu vực sinh thái quan trọng thuộc hàng bậc nhất của khu vực đã bị nạo vét và bị chôn vùi dưới những lớp bê tông khi Trung Quốc cải tạo đảo trái phép.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm