70% công nhân nhức khớp, đau lưng

Đó là số liệu thống kê sơ bộ sau hơn một tháng triển khai chương trình “Ngày hội chăm sóc sức khỏe cho công nhân” miễn phí cho hàng chục ngàn công nhân tại 14 KCX-KCN ở TP.HCM. Chương trình do Hiệp hội Các doanh nghiệp KCX-KCN, Quỹ Hỗ trợ công nhân TP.HCM cùng các đơn vị phối hợp đã tổ chức.

May mặc, chế biến thủy sản khổ vì “bệnh nghề nghiệp”

Tranh thủ giờ tan ca, chị Trương Thị Tuyền (quê An Giang), công nhân đông lạnh tại KCX Linh Trung II, đăng ký khám bệnh. “Làm công nhân đông lạnh cả ngày phải đứng làm nên rất mỏi xương khớp. Gần đây lại xuất hiện thêm chứng đau đầu và tê cứng chân tay nhưng vì con mọn và thu nhập eo hẹp nên tui cứ để vậy, tới đâu hay đó” - chị Tuyền cho biết.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Nguyệt, công nhân may tám năm nay, cũng than phiền vì chứng đau sống lưng, nhức mỏi cơ khớp nhiều năm nay. Chị nói: “Ngồi cả ngày từ 8 đến 10 giờ nên chứng tê mông, đau lưng là điều không thể tránh khỏi”.

70% công nhân nhức khớp, đau lưng ảnh 1

Hơn 10 năm làm công nhân đông lạnh, bị chứng tê cứng chân tay hành hạ nhưng vì gánh lo mưu sinh nên chị Tuyền tặc lưỡi “tới đâu hay đó”. Ảnh: P.ĐIỀN

Tham gia khám bệnh cho công nhân, BS Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc marketing và đào tạo BV Quốc tế Minh Anh, cho hay hai loại ngành nghề mà công nhân dễ mắc “bệnh nghề nghiệp” là chế biến thủy sản và may mặc. Cụ thể, công nhân chế biến thủy sản luôn làm việc trong môi trường có độ ẩm cao, nhiệt độ thấp và phải đứng liên tục trong một tư thế nhất định nên thường mắc các chứng bệnh như thấp khớp, viêm da, hô hấp, tụ máu ở chân. Trong khi đó, công nhân may mặc thì thị lực bị suy giảm đáng kể nguyên nhân chủ yếu do ánh sáng không đảm bảo và tập trung cao độ vào công việc. Mặt khác, công nhân làm việc trong ngành may cũng thường mắc chứng đau lưng do họ phải ngồi hơi khòm về phía trước, cột sống thường xuyên phải chịu tải ở tư thế không bình thường. “Công nhân trong ngành may cũng thường bị tê mông, do ngồi nhiều máu không lưu thông. Về lâu dài có thể bị giãn tĩnh mạch chi dưới” - BS Thủy nhận định.

Phát bệnh mới tìm đến bác sĩ

Theo BS Thủy, áp lực và cường độ làm việc liên tục, thời gian nghỉ ngơi quá ít khiến người lao động luôn cảm thấy mệt mỏi, bị giãn cơ khớp. Ngoài ra, việc các doanh nghiệp quá khắt khe trong quản lý thời gian đi vệ sinh, khiến công nhân không dám uống nhiều nước cũng dẫn đến nguy cơ dễ bị sỏi thận.

BS Lê Văn Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết: Những câu hỏi của công nhân thường xoay quanh các bệnh lý như thiếu máu, huyết áp, đau đầu, đau lưng. Trong đó, các nữ công nhân thường hỏi về bệnh thiếu máu, cách hạ sốt… “Do đặc thù công việc cùng cuộc sống khó khăn nên đa phần công nhân chưa có điều kiện để khám sức khỏe từ đầu, để đến khi phát bệnh mới đi khám. Vì vậy, đa số công nhân đến bệnh viện trong tình trạng bệnh tình đã nặng, điều trị rất tốn kém”.

Mặt khác, theo BS Nhân, hệ lụy từ môi trường, điều kiện làm việc không đảm bảo (ồn ào, nóng bức, thiếu ánh sáng, kém vệ sinh, thiếu an toàn, độc hại), khiến công nhân dễ bị mắc bệnh nghề nghiệp, năng suất lao động thấp, tai nạn lao động là điều khó tránh khỏi.

Theo kế hoạch, chương trình Ngày hội chăm sóc sức khỏe công nhân sẽ khám, phát thuốc và tư vấn sức khỏe cho khoảng 50.000 công nhân, lao động tại 14 KCX-KCN ở TP.HCM. Đến nay, sau hơn một tháng triển khai tại 11 KCX-KCN đã có hơn 12.000 công nhân, lao động đến khám bệnh và nhận thuốc. Cụ thể, các công nhân được khám tổng quát, xương khớp, siêu âm, mắt, tai, mũi, họng… Ngoài ra, các công nhân còn được tư vấn chăm sóc sức khỏe, giải đáp các băn khoăn về môi trường làm việc tác động đến sức khỏe.

Theo thống kê, hàng chục ngàn công nhân tham gia khám bệnh bị mắc các chứng bệnh như đau xương khớp, nóng sốt, bao tử, đau đầu, tê cứng chân tay, bệnh phụ khoa…

Ông TRẦN THIÊN LONG,Phó Giám đốc Quỹ Hỗ trợ công nhân TP.HCM

PHONG ĐIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm