Trong bài phát biểu Tổng Bí thư nhắc lại sự kiện lịch sử Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của nhân dân cả nước cách đây 70 năm, ngày 6-1-1946, chỉ sau năm tháng giành được độc lập. ”Sự kiện trọng đại này đã đi vào lịch sử nước ta như một mốc son chói lọi, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ, mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước Việt Nam”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại lễ kỷ niệm
Theo Tổng Bí thư, thắng lợi của Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 là thắng lợi của tinh thần yêu nước, truyền thống giữ vững độc lập, tự do của dân tộc, là thắng lợi của chính thể dân chủ cộng hòa lần đầu tiên được thiết lập trên đất nước Việt Nam, đồng thời cũng là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tổng Bí thư đã nhắc lại chặng đường phát triển 70 của Quốc hội với 13 nhiệm kỳ, nhiều thế hệ đại biểu đã đóng góp tâm huyết, trí tuệ của mình trong cương vị người đại biểu của dân để xây dựng, bảo vệ đất nước. Tổng Bí thư nhấn mạnh: ”Thời gian tới rất nặng nề, với vị trí là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước, yêu cầu đặt ra đối với Quốc hội cần tập trung phát huy những thành tựu và kinh nghiệm của 70 năm qua, tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động để đáp ứng tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của đất nước”.
Theo Tổng Bí thư, đó là đẩy mạnh hoạt động lập pháp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước. Tăng cường năng lực, đổi mới quy trình lập pháp, nâng cao tính chủ động trong hoạt động lập pháp; đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng ban hành văn bản pháp luật; sớm xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, đầy đủ, bảo đảm chất lượng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, tập trung giám sát những vấn đề lớn, bức xúc trong đời sống kinh tế - xã hội. Tăng cường giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn, giải trình tại Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát. Nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước theo hướng thực chất hơn, bảo đảm lợi ích quốc gia, phù hợp ý chí, nguyện vọng của nhân dân, nhất là việc quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, về tài chính, ngân sách nhà nước, về tổ chức bộ máy nhà nước, dự án, công trình quan trọng quốc gia. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại…
Lãnh đạo Đảng,Nhà nước và các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm