Sau một đêm thức trắng đàm phán giữa hai miền Triều Tiên tại Nhà Hòa bình ở làng Bàn Môn Điếm để tìm giải pháp hạ nhiệt căng thẳng quân sự, hai bên đã nhất trí tiếp tục đàm phán lúc 15 giờ ngày 23-8.
Bốn nhân vật chủ chốt ngồi vào bàn đàm phán gồm:
- CHDCND Triều Tiên: Bí thư đảng Lao động Triều Tiên Kim Yang-gon và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Hwang Pyong-so.
- Hàn Quốc: Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Kim Kwan-jin và Bộ trưởng Thống nhất Hong Yong-pyo.
Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) đưa tin ngày 23-8, người phát ngôn văn phòng tổng thống Hàn Quốc đã công bố biên bản đàm phán đêm hôm trước như sau:
“Hai miền Triều Tiên đã tổ chức cuộc gặp giữa các quan chức cấp cao từ 18 giờ 30 ngày 22-8 đến 4 giờ 15 sáng 23-8. Trong cuộc họp, hai bên đã thảo luận về các biện pháp giải quyết tình hình hiện nay và các biện pháp phát triển quan hệ liên Triều. Hai bên đã dừng cuộc họp lúc 4 giờ 15 rạng sáng Chủ nhật và sẽ tiếp tục hòa giải các tranh chấp trong cuộc gặp lúc 15 giờ ngày 23-8 sau khi xem xét lại lập trường của mỗi bên”.
Quân đội Hàn Quốc đã điều pháo nhiều nòng đến gần khu phi quân sự. Ảnh: EPA
Sự kiện nối lại đàm phán cho thấy quyết tâm giải quyết tình hình căng thẳng bằng đàm phán của hai bên.
Trong 10 giờ đàm phán ròng rã, hai bên không đạt được thỏa thuận cuối cùng.
Theo Yonhap, phía Triều Tiên không nhận trách nhiệm vụ gài mìn ở khu phi quân sự và đòi Hàn Quốc ngừng phát loa tuyên truyền ở khu phi quân sự.
Trong khi đó, Hàn Quốc đòi Triều Tiên phải xin lỗi vụ gài mìn và trừng phạt người có trách nhiệm.
Yonhap cho rằng phái đoàn Triều Tiên đã nhận được lệnh của nhà lãnh đạo Kim Jong-un yêu cầu Hàn Quốc phải chấm dứt phát loa tuyên truyền, do đó có thể Triều Tiên sẽ ra thông báo lấy làm tiếc về vụ gài mìn.
Trong lúc hai miền Triều Tiên hội đàm, hai bên vẫn tiếp tục duy trì tư thế sẵn sàng chiến đấu.
Về phía CHDCND Triều Tiên, hãng tin Yonhap dẫn nguồn tin từ quân đội Hàn Quốc cho biết 70% số tàu ngầm CHDCND Triều Tiên (hơn 50 tàu ngầm) đã rời căn cứ ra biển nhưng chưa rõ chuyển đi đâu.
Nguồn tin nói Triều Tiên đã tăng gấp đôi quân số pháo binh ở giới tuyến và các đơn vị này đã nhận được lệnh sẵn sàng chiến đấu.
Tại Hàn Quốc, ba máy bay tiêm kích KF-16 và ba máy bay F-16 tham dự cuộc tập trung chung “Cờ đỏ Alaska” (do bộ chỉ huy không quân Mỹ ở Thái Bình Dương chỉ đạo) đã được không quân gọi về chiều 23-8.
Sáu máy bay khởi hành ngày 4-8 bay đến căn cứ Eielson ở bang Alaska (Mỹ) và dự kiến ngày 25-8 mới trở về.
Song song theo đó, quân đội Hàn Quốc thông báo đã chuẩn bị phương án đánh trả nếu Triều Tiên mở nhiều cuộc tấn công cùng lúc ở nhiều vị trí.
Trong khi quân đội Triều Tiên bố trí pháo bắn thẳng 76,2 mm, quân đội Hàn Quốc đã tăng cường triển khai các dàn pháo nhiều nòng Guryong 130 mm và 131 mm có tầm bắn lần lượt 23 km và 36 km. Pháo có thể bắn cùng lúc 36 quả đạn.
Ngày 23-8, quân đội Hàn Quốc lặp lại vẫn tiếp tục chiến tranh tuyên truyền bằng loa. Sáng cùng ngày, 11 trạm phát thanh ở khu phi quân sự vẫn phát.
Hãng tin Yonhap ghi nhận dù hai miền Triều Tiên đang bên bờ vực chiến tranh, sinh hoạt ở thủ đô Bình Nhưỡng vẫn diễn ra bình thường. Trả lời hãng tin Yonhap, anh Ri Ju-hyon sống ở Bình Nhưỡng khẳng định: “Quân đội Hàn Quốc và các quân đội thù địch lúc nào cũng chụp mũ cho CHDCND Triều Tiên khi sự cố xảy ra ở Hàn Quốc”. Anh dẫn chứng như vụ tàu tuần tra Cheonan của Hàn Quốc bị đắm năm 2010 (Hàn Quốc cho rằng tàu trúng ngư lôi Triều Tiên). Anh cho rằng vụ mìn nổ ở khu phi quân sự và vụ đấu pháo đều là chuyện Hàn Quốc bịa đặt. ______________________________________ 77 tàu ngầm hải quân CHDCND Triều Tiên đang sở hữu. Đây là số tàu ngầm hoạt động nhiều nhất kể từ chiến tranh Triều Tiên (năm 1950-1953). Nhanh chóng, chính xác và đáp trả vừa đủ là ba nguyên tắc đáp trả mà quân đội Hàn Quốc đã đề ra trong trường hợp Triều Tiên tấn công. |