8 giải pháp để Khánh Hòa bứt tốc

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Khánh Hòa cùng các doanh nghiệp xây dựng chiến lược hợp tác lâu dài, bền vững, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Sáng 2-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023 do Bộ KH&ĐT, Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Khánh Hòa phối hợp tổ chức.

Tám giải pháp phát triển tỉnh Khánh Hòa

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là một sự kiện rất ý nghĩa vào dịp kỷ niệm 370 năm xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa và 48 năm ngày giải phóng tỉnh Khánh Hòa. Sự kiện rất được mong đợi, tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

31.253

tỉ đồng là số vốn của tám dự án được Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư tại hội nghị.

Thủ tướng nhận xét Khánh Hòa có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp, logistics... Nhất là du lịch sinh thái đẳng cấp, phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia. Tuy nhiên, tỉnh cần nỗ lực hơn trong khai thác, quản lý các nguồn lực gắn với nhiệm vụ bảo vệ, bảo tồn hệ sinh thái; hợp tác, liên kết với các địa phương trong vùng; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đồng thời nghiên cứu, hoàn thiện, tạo cơ chế, chính sách đột phá và bố trí nguồn lực hợp lý để phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế và thế mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu: thứ nhất, Khánh Hòa khẩn trương hoàn thiện, triển khai hiệu quả các quy hoạch, nhất là các quy hoạch quan trọng đã được duyệt vừa được công bố. Thứ hai, phát triển mạnh hệ thống đô thị, đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, kết nối, trong đó ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược.

Thứ ba, nghiên cứu, hoàn thiện, tạo cơ chế, chính sách đột phá và bố trí nguồn lực hợp lý để dẫn dắt, thu hút, đa dạng các nguồn lực cho đầu tư phát triển vùng động lực, các dự án trọng điểm của quốc gia, của tỉnh.

Thứ tư, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế phải gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh các ngành thế mạnh, tiềm năng trên nền tảng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, gia tăng giá trị, hàm lượng tri thức, khai thác hiệu quả lợi thế so sánh và nhất là không gian biển, phát triển theo hướng kinh tế xanh, tuần hoàn, sáng tạo và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ năm, tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường công khai, minh bạch, lắng nghe, đối thoại, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Thứ sáu, tập trung đầu tư cho giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực số, đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với thế mạnh và định hướng phát triển của tỉnh.

Thứ bảy, củng cố vững chắc, tăng cường quốc phòng, an ninh và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Thứ tám, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong triển khai các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

Trao quyết định phê duyệt quy hoạch cho tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: HUỲNH HẢI

Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ

Với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tuân thủ đúng luật pháp; xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, tập trung vào các ngành mới nổi như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, ứng phó với biến đổi khí hậu.

“Các doanh nghiệp, đầu tư hợp tác với tinh thần đã nói là phải làm, đã cam kết phải thực hiện hiệu quả và lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Trong hoạt động đầu tư có những lúc mất, lúc được nên phải chia sẻ cùng nhau để hài hòa giữa doanh nghiệp và Nhà nước” - Thủ tướng đề nghị.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trong vùng triển khai hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi với phương châm “Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực, nguồn lực phát triển”.

Từ kết quả của hội nghị, Thủ tướng tin tưởng rằng ngày càng có nhiều nhà đầu tư trong nước, ngoài nước quan tâm, lựa chọn và quyết định đầu tư tại Khánh Hòa, miền Trung và Việt Nam để làm giàu cho mình và góp phần vào sự phát triển của đất nước Việt Nam, của miền Trung và tỉnh Khánh Hòa.•

Khánh Hòa công bố hai quy hoạch quan trọng

Tại hội nghị, ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đã công bố hai quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành gồm quy hoạch tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế (KKT) Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quy hoạch tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành TP trực thuộc trung ương, trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế, trung tâm của khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao.

Tỉnh sẽ có hai đô thị loại I là TP Nha Trang và đô thị mới Cam Lâm, một đô thị loại II là TP Cam Ranh, một đô thị loại III, hai đô thị loại IV và các đô thị loại V.

Đối với điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, KKT Vân Phong được xác định là KKT tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cả nước. Trong đó, kinh tế biển là nền tảng, có cảng trung chuyển container quốc tế. Dịch vụ logistics, đô thị, du lịch, công nghiệp giữ vai trò quan trọng, kết hợp với các ngành kinh tế khác.

Đến năm 2050, Vân Phong sẽ là KKT có tính cạnh tranh cao dựa vào các ngành trọng điểm với lợi thế tự nhiên, là trung tâm hàng hải, du lịch, công nghiệp và là cửa ngõ giao thông của cả vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới