Đó là một trong những nội dung được nêu trong văn bản của Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án trật tự xã hội (Vụ 2) thuộc VKSND Tối cao vừa ban hành. Văn bản này hướng dẫn về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm về trật tự xã hội năm 2019.
Theo đó, VKS hai cấp cần thực hiện tốt một số vấn đề. Thứ nhất, đối với các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm hoặc có khiếu kiện kéo dài (đặc biệt vụ án xâm hại trẻ em), đề xuất lãnh đạo phân công kiểm sát viên (KSV) có trình độ, năng lực và trách nhiệm thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra.
Thứ hai, phân công KSV tham gia đầy đủ các hoạt động khám nghiệm hiện trường, khám xét, đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, thực nghiệm điều tra của điều tra viên (ĐTV). Thực hiện nghiêm chỉnh việc giao nhận, đóng dấu bút lục, sao lưu hồ sơ, tài liệu, biên bản về hoạt động điều tra do CQĐT chuyển đến.
Thứ ba, KSV phải nắm chắc tiến độ điều tra, thời hạn điều tra, thời hạn tạm giữ, tạm giam đảm bảo đúng quy định, không được để xảy ra quá hạn, đặc biệt là thời hạn tạm giữ, tạm giam.
Thứ tư, khi phê chuẩn các lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, gia hạn tạm giữ, khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam, tạm giam, gia hạn tạm giam phải kiểm tra, xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ và căn cứ pháp luật. Trong đó, phải lưu ý nghiên cứu và vận dụng đúng các quy định có lợi cho người phạm tội quy định trong BLHS 1999 và BLHS 2015.
Thứ năm, tích cực chủ động trong việc lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can, đặc biệt đối với những trường hợp bị can kêu oan, tố cáo ĐTV bức cung, nhục hình, thiếu khách quan trong hoạt động điều tra, bị can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp để tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Thứ sáu, tăng cường phối hợp với CQĐT trong quá trình giải quyết vụ án; trong trường hợp có nhiều quan điểm không thống nhất cần kịp thời báo cáo, đề xuất với lãnh đạo hai ngành quyết định. Nếu lãnh đạo hai ngành không thống nhất hoặc có những khó khăn, vướng mắc không thể giải quyết được thì thỉnh thị xin ý kiến hướng dẫn, chỉ đạo của các cơ quan tố tụng cấp trên, nhằm tránh oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm.
Thứ bảy, kiểm sát và quản lý chặt chẽ; định kỳ rà soát các trường hợp tạm đình chỉ điều tra. Thường xuyên đôn đốc việc bắt truy nã và yêu cầu CQĐT xác minh, đảm bảo các vụ án tạm đình chỉ điều tra phải được xử lý ngay khi có đủ căn cứ, không để xảy ra việc bỏ lọt tội phạm, người phạm tội.
Thứ tám, viện trưởng VKS hai cấp phải chủ động kiểm tra, trực tiếp chỉ đạo giải quyết những vụ án có dấu hiệu oan, sai; trường hợp vướng mắc phải báo cáo thỉnh thị kịp thời. Định kỳ hằng tháng báo cáo VKSND Tối cao tiến độ, kết quả giải quyết những vụ án đã xác định là oan, sai.
Thứ chín, đối với các vụ án đề nghị VKSND Tối cao gia hạn điều tra và tạm giam lần thứ ba, yêu cầu VKS địa phương phải phối hợp chặt chẽ với CQĐT thực hiện đúng quy định tại khoản 2 Điều 172 và khoản 2 Điều 173 BLTTHS.
Theo văn bản, trong năm 2019, Vụ 2 sẽ từ chối gia hạn, đồng thời sẽ ban hành thông báo rút kinh nghiệm toàn quốc đối với các trường hợp: Vi phạm về thời hạn theo quy định; việc giải quyết vụ án bị kéo dài do KSV, ĐTV thiếu trách nhiệm trong quá trình giải quyết vụ án.