Theo báo cáo của Jambeck, Việt Nam hiện nằm trong tốp năm quốc gia tạo ra nhiều rác thải nhựa đại dương nhất thế giới, tương đương 280.000 tấn mỗi năm. Trong khi đó Việt Nam vẫn dựa chủ yếu vào nguồn nhập khẩu phế liệu nhựa và giấy để làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp tái chế, ước tính 80% lượng phế liệu nhựa và 57% nguyên liệu giấy tái chế nhập khẩu từ nước ngoài.
Với sự gia tăng của lượng rác thải, thách thức đặt ra từ rác thải bao bì sẽ ngày càng lớn nếu như không có sự can thiệp kết hợp giữa nhà nước và tư nhân. Mới đây Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Vietnam) ra đời nhằm hướng đến thúc đẩy việc thu gom và tái chế bao bì giữa các chủ sở hữu của những thương hiệu tham gia vào tổ chức.
PRO Vietnam ra đời nhằm hướng đến thúc đẩy việc thu gom và tái chế bao bì giữa các chủ sở hữu của những thương hiệu tham gia vào tổ chức.
Liên minh này sẽ hỗ trợ phát triển một hệ sinh thái thu gom, tái chế bao bì trong nước đủ mạnh, giúp tăng tỉ lệ tái chế và giảm thiểu tỉ lệ bao bì thải ra môi trường. PRO Việt Nam cũng hợp tác với Chính phủ trong khía cạnh "Recycle - tái chế" của bộ nguyên tắc 3R (Reduce - giảm thiểu, Reuse - tái sử dụng, Recycle - tái chế) thông qua quan hệ đối tác công tư tự nguyện. Ngoài các chính sách trên, PRO Vietnam cũng sẽ phối hợp với các trung tâm nghiên cứu của các trường đại học nhằm tìm ra các giải pháp phù hợp với môi trường của Việt Nam.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai - Chủ tịch PRO Vietnam, cho biết khi hình thành một hệ sinh thái thu gom và tái chế bao bì trong nước vững mạnh, lan tỏa sâu rộng sẽ giúp tăng tỉ lệ tái chế, giảm thiếu tối lượng bao bì thải ra môi trường và giảm nhập khẩu từ các nước. Theo ông, tham vọng được các thành viên sáng lập của PRO Vietnam thống nhất là đến năm 2030, tất cả loại vật liệu đóng gói do các công ty thành viên sản xuất ra thị trường đều sẽ được thu gom và tái chế.
Là một trong những đơn vị nhiều năm tiên phong trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ông Hiroshi Kanazawa - Tổng Giám đốc Coca Cola Đông Dương bày tỏ, tham gia PRO Việt Nam là một bước đi mới giúp Coca-Cola đẩy nhanh tiến độ của những sáng kiến về giảm thiểu rác thải như sáng kiến “Thế giới không rác thải”.
Ông cũng nhận định dự án của tổ chức sẽ gặp nhiều thách thức, trong đó việc gia tăng dự hiểu biết của cộng đồng là thách thức lớn nhất. Điều này cần có sự chung tay của cộng đồng, người tiêu dùng để có hệ sinh thái hiệu quả hơn cho tái chế.
“Hiện nay, chín công ty thành viên, mỗi công ty đều có chương trình tái chế riêng để cùng đóng góp vào chương trình chung của PRO Vietnam. Đây chỉ là bước khởi đầu, trong tương lai sẽ có thêm nhiều công ty đóng góp vào” - CEO Coca-cola bày tỏ.
Thế giới không rác thải Từ năm 2018, Coca-Cola đã triển khai chiến dịch Thế giới không rác thải ở cấp độ toàn cầu để phấn đấu mục tiêu thu thập và tái chế lượng tương đương 100% bao bì mà Coca-Cola bán ra đến năm 2030. Là một trong những dự án điển hình của chiến lược dài hạn trên - “Không xả thải ra thiên nhiên” được Coca-Cola Việt Nam cùng các đối tác phát triển là Unilever, Dow và VCCI phát động. Zero Waste To Nature - Không xả thải ra thiên nhiên là chương trình hướng đến việc giải quyết các vấn đề phát sinh từ chất thải nhựa, xây dựng lộ trình để hình thành và thúc đẩy các mô hình kinh doanh bền vững, theo định hướng kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Hiện nay Coca-Cola cũng đang trong quá trình hướng đến mục tiêu sử dụng nhựa tái chế rPET để sản xuất 20% chai nước Dasani trong giai đoạn 2019-2020. Bên cạnh đó, Coca-Cola đã và đang triển khai những dự án khác như: Sáng kiến nâng cao nhận thức về tái chế rác thải nhựa hợp tác với UNESCO hay Dự án mạng lưới hành động vì rác thải nhựa hợp tác với Trung tâm hỗ trợ phát triển Xanh. |