9 phiên tòa chưa xử xong vụ con chết, bố đi tù

TAND tỉnh Gia Lai sắp mở lại phiên xử phúc thẩm lần thứ ba vụ Lê Văn Ngọc bị truy tố về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Tính từ phiên sơ thẩm lần đầu của TAND huyện Phú Thiện vào tháng 8-2011 đến nay, vụ án này đã trải qua bảy năm với chín phiên tòa và nhiều lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Mất mát, đớn đau còn bị khởi tố

Theo hồ sơ, tháng 5-2010, anh Ngọc điều khiển xe máy chở theo hai con gái trên quốc lộ 52 từ thị xã Ayun Pa đi huyện Chư Sê. Khi đến địa phận huyện Phú Thiện thì xe của anh Ngọc lấn trái để vượt một chiếc xe tải đi cùng chiều trong điều kiện trời tối, mưa, hạn chế tầm nhìn. Do thiếu quan sát nên xe của Ngọc va chạm với xe máy do anh Nay Dung chở anh Ksor Chưng đi chiều ngược lại, làm cả hai xe ngã xuống đường.

Tai nạn làm cháu T. (con gái anh Ngọc) bị ngã văng vào bánh ô tô tải đang lưu thông, tử vong tại chỗ. Những người còn lại là Nay Dung, Ksor Chưng, anh Ngọc và con gái thứ hai của anh đều bị thương.

Cơ quan tố tụng cho rằng chỉ mình anh Ngọc có lỗi nên đã khởi tố, truy tố anh về tội danh trên theo khoản 3 Điều 202 BLHS (có mức án cao nhất đến 15 năm tù). Cháu T. (con gái anh), Nay Dung (thương tích 18%) và Ksor Chưng (thương tích 85%) được xác định là những người bị hại trong vụ án.

Suốt quá trình tố tụng, anh Ngọc kêu oan, cho rằng anh không có lỗi vì khi va chạm với xe máy ngược chiều anh đã cho xe vượt qua đầu xe tải khoảng 10 m. Trong khi lúc đó người bị hại Nay Dung chạy xe với tốc độ cao trong tình trạng say xỉn nhưng công an không đo nồng độ cồn...

Bị cáo Lê Văn Ngọc tại tòa. Ảnh: TT

Kết án bảy năm rồi bốn năm tù

Ngày 23-8-2011, TAND huyện Phú Thiện xử sơ thẩm lần đầu đã tuyên phạt bị cáo Ngọc bảy năm tù giam. Bị cáo kháng cáo kêu oan. Xử phúc thẩm lần một vào tháng 2-2012, TAND tỉnh Gia Lai đã tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại từ đầu.

Lý do hủy án là việc thu thập chứng cứ buộc tội có nhiều vi phạm tố tụng. Việc khám nghiệm hiện trường tai nạn, khám nghiệm phương tiện liên quan có nhiều thiếu sót vì không có bản ảnh và không có người chứng kiến. Cấp sơ thẩm lấy lý do phim chụp ảnh bị hỏng là không thuyết phục vì thời điểm khám nghiệm phương tiện được tiến hành sau khi khám nghiệm hiện trường. Trong khi có chứng cứ thể hiện người bị hại Nay Dung chạy xe với tốc độ nhanh. Để xác định bị hại có lỗi hay không lẽ ra phải dựng hiện trường làm rõ nhưng cấp sơ thẩm không thực hiện…

Hơn một năm sau, tháng 6-2013, TAND huyện xử sơ thẩm lần thứ hai nhưng phải tuyên trả hồ sơ.

Tại phiên tòa sơ thẩm lần ba vào cuối năm 2013, tòa đã tuyên phạt anh Ngọc bảy năm tù. Bị cáo tiếp tục kháng cáo kêu oan. Bản án phúc thẩm lần hai của TAND tỉnh sau đó tiếp tục tuyên hủy án sơ thẩm vì cho rằng có nhiều vi phạm tố tụng do việc điều tra chưa đầy đủ.

Vụ án sau đó được cơ quan tố tụng cấp huyện điều tra lại và chuyển hồ sơ sang tòa để xét xử. Nhưng sau khi nghiên cứu hồ sơ thì tháng 6-2015 TAND huyện lại trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Cuối năm 2015, TAND huyện xử sơ thẩm lần thứ tư lại tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung, xem xét những chứng cứ quan trọng. Đến tháng 2-2016, tòa sơ thẩm lại trả hồ sơ để điều tra bổ sung khi phát hiện kết quả giám định thương tật của người bị hại Nay Dung không phù hợp với giấy chứng thương và giấy chứng nhận giám định thương tích.

Ngày 29-4-2016, TAND huyện Phú Thiện mở phiên xử sơ thẩm lần thứ năm, tiếp tục tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ nhiều nội dung quan trọng. 

Tại phiên xử sơ thẩm lần thứ sáu vào tháng 9-2016, TAND huyện đã tuyên phạt bị cáo Ngọc bốn năm tù. Bị cáo vẫn kêu oan. VKSND tỉnh Gia Lai đã có kháng nghị theo hướng tăng nặng hình phạt đối với bị cáo với lý do cấp sơ thẩm áp dụng Điều 47 BLHS để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo là không đúng.

Ngày 3-4, TAND tỉnh Gia Lai đã mở phiên xử phúc thẩm lần ba nhưng bị hoãn. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ án có diễn biến tố tụng mới.

5 điểm “chết” của vụ án

Mới đây luật sư bào chữa cho bị cáo Ngọc đã gửi kiến nghị cho các cơ quan tố tụng vạch ra nhiều thiếu sót được coi là mấu chốt của vụ án chưa được làm rõ, trong đó có năm điểm cơ bản:

- Hồ sơ không có bản ảnh khám nghiệm hiện trường, không có biên bản khám nghiệm phương tiện liên quan đến tai nạn giao thông. Biên bản hiện trường, sơ đồ hiện trường không phản ảnh đúng thực tế vụ tai nạn.

- Kết luận giám định mâu thuẫn với biên bản khám nghiệm tử thi cháu T. về vết thương và vị trí: Theo sơ đồ và bản ảnh hiện trường thì tử thi nằm giữa đường, lời khai người làm chứng thì nằm bên phải đường, tại tòa giám định viên khẳng định: “Nằm hoàn toàn bên phải”.

- Qua các phiên tòa, nhiều lời khai giữa bị cáo với bị hại, người liên quan và các nhân chứng mâu thuẫn nhau, có khi mâu thuẫn với chính lời khai của họ.

- Kết luận giám định pháp y đối với bị hại Nay Dung và Ksor Chưng không phù hợp với giấy chứng nhận thương tích tại bệnh viện ngay khi xảy ra tai nạn, cần phải giám định lại.

- Chưa rõ điểm va chạm giữa xe máy của bị cáo và xe máy bị hại, va chạm tại bên hông xe tải hay trước xe tải. Tốc độ xe máy do người bị hại điều khiển và trong tình trạng nào cũng không được làm rõ…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới