9 tháng đầu năm có 40 người tử vong do bệnh dại

(PLO)- Từ đầu năm 2022 đến nay, tại 16 tỉnh thành đã ghi nhận 40 người tử vong do bệnh dại.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 59.000 người tử vong do bệnh dại và hơn 10 triệu người phải tiêm vaccine phòng dại.

Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm cả nước ghi nhận 75 trường hợp tử vong do bệnh dại. Trung bình hằng năm có khoảng 400.000 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vaccine dại với chi phí ước tính hơn 300 tỷ đồng/năm.

Theo báo cáo của các cơ quan chuyên ngành thú y và y tế địa phương, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận 40 người tử vong do bệnh dại tại 16 tỉnh, thành phố (tăng 2 ca tử vong so với cùng kỳ năm 2021). Nhiều nhất là các tỉnh Bến Tre (12 ca), Kiên Giang (5 ca) và Gia Lai (4 ca).

Tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, hàng năm, thành phố vẫn ghi nhận những trường hợp tử vong đáng tiếc do bệnh dại. Các trường hợp này đều do chủ quan không đi tiêm phòng vaccine sau khi bị chó cắn.

Cụ thể, năm 2017-2018, ngoài các trường hợp tử vong do bệnh dại trên người, Hà Nội còn ghi nhận các ổ dịch dại trên động vật tại các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai. Năm 2020-2021, ghi nhận các trường hợp tử vong do bệnh dại trên người tại 2 quận Cầu Giấy và Hoàng Mai. Riêng từ đầu năm 2022 đến nay, có 1 trường hợp tử vong do bệnh dại tại huyện Phú Xuyên vì chủ quan không đi tiêm phòng sau khi bị chó cắn.

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội, giai đoạn từ năm 2015-2021, Hà Nội có tới 16 người chết vì bệnh dại (bình quân 3 người chết/năm), riêng năm 2014 có 5 người chết, năm 2018 đã có 3 người chết vì bệnh dại.

Mỗi năm toàn TP có trên 10.000 người phải đi điều trị dự phòng bệnh dại do động vật cắn hoặc tiếp xúc với động vật nghi mắc dại (chủ yếu do chó cắn). Kinh phí cho việc khám chữa bệnh, điều trị dự phòng không nhỏ, trên 20 tỷ đồng.

Các chuyên gia khuyến cáo: Người dân khi bị chó, mèo cắn, cào tổn thương da hoặc niêm mạc, cần rửa ngay vết thương bằng xà phòng, nước sạch và đến cơ sở tiêm phòng dại kịp thời. Tuyệt đối không tự chữa trị tại nhà hoặc dùng thuốc nam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới