Trước đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã có phản ánh với Bộ Giao thông vận tải về việc các doanh nghiệp dệt may phải trả khoản phí này ở mức rất cao, vô lý và cần xóa bỏ.
Tại buổi làm việc, đại diện nhiều hãng tàu đều cho rằng đây là khoản phí thường xuyên thu trong nhiều năm qua, không phải là loại phí mới phát sinh và được quyền thu theo thông lệ và đàm phán hợp đồng. Trước đó loại phí này nằm trong giá cước nhưng một số nước đã yêu cầu các hãng tàu tách riêng loại phí này ra khỏi giá cước để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đàm phán khi thuê tàu. Cho dù Nhà nước có văn bản cấm thu phí này như đã từng làm vài năm trước đây thì hãng tàu cũng sẽ tính khoản tiền này vào giá cước hoặc các loại phụ phí khác chứ không thể nào không thu.
Đại diện hãng tàu Dong Jin cho biết nếu khi đàm phán mà doanh nghiệp Việt Nam không làm rõ chi phí của doanh nghiệp đầu bên này chịu bao nhiêu, doanh nghiệp đầu bên kia chịu bao nhiêu thì hãng tàu có thể nâng lên, khiến doanh nghiệp đầu bên này có thể chịu lỗ, đây là kinh nghiệm. Doanh nghiệp dệt may Việt Nam nên xem lại hợp đồng, xem lại năng lực đàm phán của mình xem có phải bị đối tác đẩy chi phí qua hay không.
Đặc biệt, ông Bùi Việt Anh, đại diện hãng Cosco, cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam đã bị phía bên kia hoặc bên giao nhận đẩy phí cho mình. “Hằng ngày tôi nhận rất nhiều email hỏi giá và hỏi xem có CIC không, tôi luôn báo giá vận chuyển và trả lời rằng không thu CIC của doanh nghiệp Việt Nam. Cho nên các doanh nghiệp mà bị bên giao nhận báo giá có cộng thêm phí nào khác thì cứ thông báo lại cho hãng tàu biết mà xử lý. Tôi tin rằng 90% doanh nghiệp Việt Nam đã bị doanh nghiệp Trung Quốc đẩy phí cho mình, vì doanh nghiệp Việt Nam thường là doanh nghiệp nhỏ, không chọn được hãng tàu nên 90% là bên Trung Quốc chỉ định tàu và quyết định phí”.
Bà Phạm Kiều Oanh, Phó Tổng Giám đốc May Nhà Bè, cầm bảng liệt kê các loại phí, khẳng định rằng: “Không có hãng nào là không thu hết, chỉ khác là chênh lệch nhau 5-10 USD/container thôi. Khi nhận thông báo trả phí để lấy hàng thì doanh nghiệp mới hỡi ôi với các loại phí đấy. Nếu cự cãi mà không đi đóng tiền thì khỏi nhận hàng, lấy nguyên vật liệu đâu mà sản xuất, nên còn biết nói gì nữa!”.
Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, cho biết Bộ Tài chính từng có văn bản yêu cầu Bộ Giao thông vận tải xác định đâu là surcharges, đâu là local charges để Bộ có thể đánh đúng loại thuế (giá trị gia tăng hoặc thuế nhà thầu), có thể ban hành thành một nghị định để làm rõ ràng, minh bạch các khoản thu trong vận tải biển, sẽ rõ ràng hơn cho doanh nghiệp.
Ông cũng cho rằng Hiệp hội Dệt may nên thống kê lại năng lực xuất nhập khẩu của thành viên, tạo đầu mối, gom hàng lại để xuất đi, bán buôn chứ không bán lẻ để có tư thế đàm phán tốt hơn với hãng tàu. Chứ xuất hàng nhỏ lẻ thì không tự chọn được hãng, lệ thuộc hãng tàu và bên giao nhận...
Công ty Cổ phần Dệt công nghiệp Hà Nội cho rằng phải nhập 90% nguyên liệu sản xuất, trong khi các hãng tàu thu phí CIC khoảng 3,3-3,7 triệu đồng/container một cách tự phát và phi lý. Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng các hãng tàu chỉ có thể thu phí CIC vào mùa cao điểm, khi mất cân bằng về vận chuyển container rỗng (do Việt Nam nhập nhiều - xuất ít) nhưng các hãng đã thu liên tục quanh năm.