90% phương tiện đường thuỷ không đăng ký
Báo cáo cho thấy bức tranh tai nạn giao thông đường thuỷ năm 2008, xảy ra 246 vụ làm chết 135 người. Các vụ tai nạn đã làm chìm 223 phương tiện thuỷ các loại, thiệt hại. Trong số này số vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng đến nghiêm trọng chiếm đến gần 50%. So với năm 2007, số người chết và bị thương đều giảm đến 21%, chỉ có số vụ tai nạn là tăng 7%. Ngoài ra theo C25, Cục này đã nắm được có đến 26 vụ tai nạn lao động, làm chết 19 người; 132 người bị chết đuối, 6 vụ cháy nổ làm thiệt hại khoảng 8 tỷ đồng.
Theo C25, nguyên nhân xảy ra tai nạn do chủ yếu các phương tiện vi phạm quy tắc tránh vượt (chiếm hơn 57%), đâm va chướng ngại vật (hơn 16%). Một nguyên nhân sâu xa được C25 làm rõ là tình trạng phương tiện không đăng ký (chiếm 90%), không đăng kiểm an toàn kỹ thuật (chiếm đến 80%), không đủ dụng cụ cứu sinh, cứu đắm, PCCC và người điều khiển phương tiện không có bằng chiếm đến 80%. Chính vì vậy trong số các vụ tai nạn có lý do phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật, người điều khiển không bằng, chứng chỉ chuyên môn chiếm đến 9-11%.
Truy tìm điểm "đen" trong giao thông đường thuỷ
C25 nhận định, tình hình TTATGTĐT vẫn còn diễn biến phức tạp và bất cập, trong đó phương tiện thuỷ sản (tàu cá) và phương tiện loại nhỏ còn ngoài tầm kiểm soát của lực lượng chức năng và chính quyền địa phương. Do vậy việc đình chỉ hoạt động phương tiện không đăng ký, đăng kiểm theo quy định của Chính phủ khó khả thi và đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao trên đường thuỷ nội địa
Thống kê của C25 cho thấy, đường sông vẫn là nơi xảy ra tai nạn nhiều nhất, thứ tự còn lại là các tuyến ven biển, kênh và khu cảng vụ, năm qua có đến 22 địa phương có số xảy ra tình trạng tai nạn tăng. Tuy nhiên, theo Đại tá Nguyễn Anh Thắng, Cục phó C25 đến nay lực lượng này vẫn chưa thể xác định các điểm đen trong lĩnh vực đường thuỷ.
Theo ông Thắng, đặc thù của đường thuỷ không thể như đường bộ tính trên đoạn hay nơi thương xảy ra TNGT dựa trên lưu lượng, mật độ phương tiện rồi tai nạn...vì các phương tiện giao thông đường thuỷ hoạt động theo khí tượng thuỷ văn. "Có những nơi phải chờ nước lên, như vùng sông Hông, sông Lô thậm chí lại phụ thuộc vào tình trạng xả đáy của hồ Hoà Bình" ông Thắng nói. Cục phó này khẳng định, thậm chí các phương tiện hoạt động lại phụ thuộc vào thuỷ triều, có những nơi thuỷ triều lên thì hoạt động được nhưng có nơi nước lên cao lại gặp phải cầu xây cũ nên không thể đi qua.
Dẫn giải tình trạng phương tiện ông Thắng nói có những vụ tai nạn lại do mắc vào vùng cạn khi đang chở hàng, tàu kẹt lâu và hàng nặng đã dễn đến tàu vỡ! Chính vì vậy, lực lượng CSGT rất khó vẽ nên các điểm đen về tai nạn giao thông đường thuỷ.
Hiện Cục này đang phối hợp với Bộ GTVT tiến hành dựng các biển báo và có biện pháp thông báo sơ bộ về tình trạng các điểm đen tai nạn giao thồng. Kiến nghị các đơn vị quản lý đường thuỷ nội địa di chuyển 94 phao tiêu, báo hiệu dẫn luồng chạy tàu. Kiến nghị cơ quan quản lý đường thuỷ nội địa bổ sung 57 biển báo hiệu, 61 phao dẫn luồng.
Ông Thắng cho biết, năm 2008, bên cạnh việc tăng cường tuần tra, kiểm soát, CSGT đường thuỷ sẽ xây dựng các phần mềm theo dõi, quản lý các dữ liệu về TNGT đường thuỷ.
Chuyển cơ quan điều tra hơn 100 vụ Năm 2008, lực lượng CSGTĐT đã kiểm tra lập biên bản xử lý hơn 192 000 trường hợp ( tăng hơn 27%), đình chỉ hoạt động hơn 1600, tước quyền sử dụng bằng và chứng chỉ cấp mới hơn 250 trường hợp. Thông qua hoạt động tuần tra đã phát hiện và bắt hơn 500 đối tượng phạm tội về hình sự, kinh tế, ma tuý, tạm gĩữ nhiều tang vật, tài sản có giá trị 40 tỷ đồng. C25 đã lâp hồ sơ chuyển cơ quan CSĐT 105 vụ có dấu hiệu phạm các tội hình sự. Đồng thời phối hợp với C14 khám nghiệm, điều tra 10 vụ TNGT ĐT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, đã khởi tố 7 vụ, trong đó 3/7 vụ đã chuyển hồ sơ sang VKS đề nghị truy tố. |
Theo Huy Quân ( VnMedia)