Là một trong những ngành triển khai rất sớm các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh ngay khi dịch COVID-19 xảy ra, ngành ngân hàng, trong đó có Agribank đã chủ động đánh giá, lựa chọn triển khai nhiều giải pháp thiết thực để hỗ trợ người dân và cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước.
Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 4-2020 ngày 5-5, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong bối cảnh đã kiểm soát được dịch bệnh thì nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, đời sống, tăng trưởng. Phải tập trung hơn nữa khởi động lại nền kinh tế, phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng trên 5%, cùng với đó kiểm soát lạm phát dưới 4%.
Thủ tướng nêu rõ năm mũi đột phá để tăng trưởng, phát triển, vượt qua khó khăn giai đoạn này, đó là: Thu hút FDI, đẩy mạnh xuất khẩu, đẩy mạnh đầu tư công, thu hút đầu tư tư nhân, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa.
Giải pháp tháo gỡ khó khăn sản xuất, kinh doanh
Agribank đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, sớm ổn định sản xuất, kinh doanh.
Với quyết tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tái cơ cấu để tăng tốc phát triển, đạt mục tiêu tăng trưởng, các kịch bản và giải pháp phục hồi nền kinh tế đang được xây dựng không chỉ giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn mà còn có thể đón các cơ hội mới trong trạng thái bình thường mới sau đại dịch.
Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam đã vừa tận dụng được “thời gian vàng” để chống dịch và giờ chính là “thời điểm vàng” để phục hồi kinh tế.
Kết quả khảo sát 126.565 doanh nghiệp của Bộ KH&ĐT cho thấy có tới 85,7% số doanh nghiệp trên cả nước bị tác động của dịch COVID-19.
Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chịu tác động mạnh nhất với tỉ lệ lần lượt là 86,1% và 85,9%, nông lâm nghiệp và thủy sản là 78,7%, một số ngành tất cả doanh nghiệp bị ảnh hưởng như hàng không là 100%, dịch vụ lưu trú là 97,1%, dịch vụ ăn uống 95,5%, đại lý du lịch là 95,7%, giáo dục đào tạo là 93,9%, vùng đồng bằng sông Hồng, miền Trung có tỉ lệ doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Ngay khi dịch COVID-19 xảy ra, ngành ngân hàng là một trong những ngành triển khai rất sớm các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Với việc ban hành và triển khai kịp thời Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu lại hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ, ngành ngân hàng đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hiệu quả người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, góp phần giữ vững niềm tin cộng đồng.
Agribank tích cực hỗ trợ người dân và doanh nghiệp
Agribank vào cuộc rất trách nhiệm cùng hệ thống tổ chức tín dụng trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế và các ngành sản xuất. Agribank quyết liệt triển khai Thông tư 01/2020/TT-NHNN, tập trung tháo gỡ khó khăn cho khách hàng thông qua thực hiện miễn giảm lãi, phí, hạ lãi suất, cho vay mới, sẵn sàng nguồn vốn khi người dân, doanh nghiệp có nhu cầu vay mới, chuẩn bị nguồn vốn khi dịch kết thúc để đáp ứng nhu cầu vốn cho các doanh nghiệp khi hoạt động kinh tế trở lại bình thường.
Bốn tháng đầu năm 2020, doanh số cho vay nền kinh tế của Agribank đạt 481.000 tỉ đồng, bình quân cho vay mới 120.000 tỉ đồng/tháng. Đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Agribank ưu tiên tập trung thực hiện miễn giảm lãi và hạ lãi suất cho 27.500 khách hàng, với dư nợ 45.165 tỉ đồng. Trong đó đã thực hiện miễn giảm lãi cho 500 khách hàng, dư nợ 5.165 tỉ đồng; hạ lãi suất 27.000 khách hàng, dư nợ 40.000 tỉ đồng.
Agribank tư vấn khách hàng hiểu và lựa chọn các sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử.
Bên cạnh đó, Agribank giảm phí dịch vụ thanh toán đối với tất cả giao dịch thanh toán liên ngân hàng qua các kênh. Triển khai chương trình tín dụng 100.000 tỉ đồng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đến nay Agribank đã giải ngân được trên 10.030 tỉ đồng cho 6.043 khách hàng.
Dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỉ trọng trên 90%/dư nợ cho vay doanh nghiệp của Agribank. Agribank tăng dần tỉ trọng dư nợ doanh nghiệp, tập trung ưu tiên vốn cho các đối tượng ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, trong đó có các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hoạt động kinh doanh ngành công nghiệp hỗ trợ, thực hiện phương án, dự án sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu và đặc biệt là hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển nông nghiệp, nông thôn.